Điểm tên 3 vấn đề lớn cần giải quyết

3 điểm nghẽn lớn

Sau hơn 1 năm Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch tổ yến vào nước này, chiều 16/11, tại Lạng Sơn, diễn ra Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Sắp xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc
Xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc: Điểm tên 3 vấn đề lớn cần giải quyết

Nghị định thư về xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ tổ yến sang Trung Quốc được kỳ vọng giúp ngành yến sào Việt Nam mang về hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm ký kết, số lượng doanh nghiệp hay lô hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Lý do được các doanh nghiệp lý giải là do việc chậm trễ cấp mã số cho cơ sở nuôi chim yến để thực hiện truy xuất nguồn gốc làm ảnh hưởng đến cơ hội của ngành nuôi yến Việt Nam cũng như việc xuất khẩu tổ yến của người dân, doanh nghiệp.

Về việc này, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, Cục chưa thể cấp được mã số cho cơ sở nuôi yến bởi lý do Dự thảo về hướng dẫn cấp mã số cho cơ sở nuôi chim yến do Cục Chăn nuôi đảm trách và đã hoàn thành vẫn đang trình lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt.

“Cách đây vài năm, Cục Chăn nuôi có làm việc với FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) và họ đã hỗ trợ chúng ta xây dựng phần mềm để quản lý, cấp mã số nhà yến ở một số tỉnh trong dự án”, ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.

Nói về ngành yến, ông Tống Xuân Chinh cho biết, hiện có ba vấn đề lớn cần phải giải quyết trước mắt. Thứ nhất, cần nhanh chóng hướng dẫn việc cấp mã số nhà yến theo yêu cầu của Nghị định thư. Thứ hai, cần thống kê một cách chính xác số lượng nhà yến, quy mô, công suất và sản lượng yến. Thứ ba, tình trạng phát triển ồ ạt các nhà yến và vấn nạn săn bắn trái phép chim yến.

Theo ông Tống Xuân Chinh, tình trạng phát triển nóng các nhà yến diễn ra từ khoảng 5 – 6 năm nay, và nhất là sau khi Nghị định thư đã được ký kết thì lại có thêm nhiều nhà đầu tư hơn.

“Năm 2017 có 8.304 nhà yến thì đến năm 2022 tăng vọt lên 23.665 nhà yến. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nuôi yến của nước ta, năm 2017 chỉ có 3.064 nhà yến thì đến năm 2022 lên tới 10.572 nhà yến”, ông Tống Xuân Chinh dẫn chứng.

Tình trạng phát triển nóng này có nhiều nguyên nhân. Nhiều người thấy rằng tổ yến là mặt hàng có giá trị cao, giá bán tăng, nhất là khi ký được Nghị định thư xuất khẩu sang Trung Quốc, có tiềm năng xuất khẩu tốt, có thể kiếm được số tiền lớn nên nhà nào có điều kiện là tìm mua đất, mua nhà để làm nhà yến, nhưng chưa có đủ kiến thức, kỹ thuật về nhà yến cho phù hợp với tập tính, sinh trưởng của loài yến nên chim không về làm tổ.

Theo ước tính của Hiệp hội Yến sào Việt Nam, hiện có trên 20% số nhà yến không có chim về làm tổ. Chi phí làm nhà yến rất lớn, từ 1 tỉ đồng đến vài tỉ đồng/nhà yến. Sự phát triển của một quần thể sinh học chim yến có vòng đời và sức sinh sản hạn chế nên không thể xây dựng quá nhiều nhà để dẫn dụ chim yến vượt qua ngưỡng sinh học trong tự nhiên được.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, năm 2023 Việt Nam có khoảng hơn 23.000 nhà yến, tập trung nhiều ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về sản lượng, tuy nhiên, theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam và Chi hội Nhà yến Việt Nam ước tính, các năm gần đây Việt Nam sản xuất được khoảng 150 tấn yến thô/năm.

Cần đầu tư chế biến sâu và nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo các chuyên gia trong ngành, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu dùng sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới (gần 90%), cũng là bạn hàng truyền thống, quen thuộc với nhiều chủng loại hàng hóa nông sản của nước ta, trong đó có tổ yến. Đây là thuận lợi lớn để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn cũng không ít. Theo đó, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh với một số nước xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ yến như Indonesia, Philippines, Malaysia…

Ví dụ như Indonesia mỗi năm xuất khẩu được 2 – 3 tỉ USD, sản lượng hơn Việt Nam không đáng kể nhưng tỉ lệ chế biến sâu cao.

Trong khi đó, điểm yếu của Việt Nam đó là cứ hễ xuất khẩu được mặt hàng nào thì tình trạng sản xuất ồ ạt nhưng thiếu đầu tư vào chất lượng lại diễn ra. Đây là bài học kinh nghiệm mà tất cả các bên liên quan cần tránh để có thể giữ gìn và khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu Trung Quốc.

Để thúc đẩy xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc, ông Tống Xuân Chinh cho hay, về phía Cục Chăn nuôi, trước mắt, sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư và phục vụ cho công tác thống kê, qua đó điều tiết ngành hàng được khoa học, đảm bảo cung cầu để phát triển bền vững ngành yến.

Hiện Cục Chăn nuôi đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồ sơ xem xét ban hành sửa đổi Thông tư 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về hoạt động chăn nuôi, trong đó có kê khai hoạt động nuôi chim yến. Qua đó có những thông tin cụ thể, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện quản lý các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn.

Đồng thời, sẽ nhanh chóng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đối với ngành yến, vì đây là một lĩnh vực còn mới trong ngành chăn nuôi của nước ta.

Ông Tống Xuân Chinh cũng cho rằng, để ngành yến phát triển bền vững, giá trị gia tăng cao thì không thể thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để gia tăng giá trị. Giữa người nuôi, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý cần có sự liên kết, hợp tác để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển theo nguyên tắc cùng thắng.



Source link