Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh do lo ngại nguồn cung

Lo ngại nắng nóng tại Brazil, giá cà phê xuất khẩu tăng vọt lên mức cao nhất 6 tháng Hiệp định EVFTA và tác động kép với xuất khẩu cà phê sang EU

Mức tăng mạnh trong tuần vừa qua đã đẩy giá cà phê Arabica và Robusta lên mức cao nhất trong gần 6 tháng. Lo ngại nắng nóng tại vùng trồng cà phê chính của Brazil ảnh hưởng đến sản lượng và quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tác động kép lên giá cà phê trong tuần qua.

Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh do lo ngại nguồn cung
Giá cà phê tăng cao

Viện Khí tượng Quốc gia Brazil (INMET) cảnh báo nhiệt độ tại khu vực Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil có thể hứng chịu nắng nóng gay gắt trong 4 ngày liên tiếp, thậm chí nền nhiệt có thể lên trên 40 độ C vào cuối tuần. Hơn nữa, độ ẩm có thể xuống dưới mức trung bình. Thị trường lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây cà phê và khiến sản lượng niên vụ 2024/25 tại Brazil không tốt như kỳ vọng trước đó.

Hơn nữa, FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25 – 5,5% trong kỳ họp tháng 12 và có thể cắt giảm 0,75% lãi suất trong năm 2024 khiến giới đầu cơ gia tăng lực mua, nông dân Brazil hạn chế bán do thu về ít ngoại tệ hơn.

Ngoài ra, thông tin Việt Nam đang có xu hướng hạn chế bán cà phê để chờ giá lên đã đẩy giá Robusta tăng cao hơn Arabica.

Dù vậy, trong báo cáo khảo sát kết quả mùa vụ lần thứ 4, CONAB đã nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil lên 55,07 triệu bao loại 60kg, tăng lần lượt 8,2% và 1,31% so với năm 2022 và báo cáo trước đó.

Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh do lo ngại nguồn cung
Giá cà phê nội địa tiếp tục neo cao, mang lại lợi ích cho người trồng cà phê

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (18/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 66.300 – 66.700 đồng/kg, tiếp tục tăng so với hôm qua.

Những ngày đầu tháng 12/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11/2023. Ngày 17/12, thị trường trong nước ghi nhận tăng 6.200 – 7.000 đồng/kg từ ngày 1/12. Mức giá thu mua đạt gần 70.000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam.

Giá cà phê nội địa đang duy trì mức cao vào đầu vụ do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI. Trước thực trạng này, nhiều dự báo cho thấy, từ nay đến hết tháng 4/2024 (khi Indonesia vào vụ mới), tình trạng nguồn cung khan hiếm vẫn diễn ra, khiến giá cà phê nội địa của Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024.

Hiệp Hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho rằng, diện tích cà phê đang bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm. Trong niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống ở mức khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022/2023. Do đó, dự báo hết năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục duy trì mốc 4 tỷ USD như năm 2022.

Đáng chú ý, thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch cà phê robusta, cà phê của các nước khác như Indonesia hay Brazil phải qua tháng 4 đến tháng 7/2024 mới thu hoạch.

Không những vậy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và người dân chuyển đổi sang cây trồng khác nên nguồn cung cà phê Việt Nam, nước có sản lượng robusta lớn nhất thế giới, cũng suy giảm trong các năm gần đây càng làm tình hình cung ứng hạn chế, góp phần đẩy giá lên cao.

Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản… Không chỉ đáp ứng sản lượng, cung cầu mà chất lượng cà phê Việt Nam đang trên đà tăng cao.



Source link