Ngày 20/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam)”.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam rất thành công trong tháng 12 này, và hai bên đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại.
Đồng thời đây cũng là hoạt động có ý nghĩa nhằm triển khai các nội dung hợp tác tại Bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại giữa Sở Công Thương 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được ký ngày 13 tháng 7 năm 2018 tại tỉnh Lào Cai, Việt Nam và nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam với Trung Quốc nói chung và với tỉnh Vân Nam nói riêng.
THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG CÒN RẤT KHIÊM TỐN
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2017 – 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) không ngừng tăng. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,7 tỷ USD, trong đó Vân Nam xuất khẩu đạt 2,01 tỷ USD, nhập khẩu 1,69 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 4,27 tỷ USD, 4,32 tỷ USD và 5,07 tỷ USD. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 5,16 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Vân Nam đạt 3,98 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD.
Hiện nay Việt Nam xuất khẩu vào Vân Nam các sản phẩm như: Phốt pho vàng, hoa quả nhiệt đới (thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, vải, nhãn..), sản phẩm gỗ, ván bóc, dược liệu, sắn tươi, tinh bột sắn, nông sản, thủy hải sản… qua đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài, cho rằng tỉnh Vân Nam có vai trò rất lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện tỉnh Vân Nam có chung đường biên giới với 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Đồng thời cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Với vị trí thuận lợi, tỉnh Vân Nam là cầu nối hữu hiệu cho hàng hóa của Việt Nam có thể tiến sâu, vươn xa đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam của Trung Quốc, và là cửa ngõ quan trọng đưa các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Việt Nam đến với thị trường khu vực ASEAN giàu tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Tài cũng thẳng thắn, dù có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng nhưng hợp tác tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Vân Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên.
Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam mới đạt 3,2 tỷ USD. 10 tháng năm 2023, thương mại hai chiều chỉ đạt 2,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
“Vì vậy, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam còn rất lớn”, ông Tài nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam năm 2023. 11 tháng năm 2023, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo thống kê, khối lượng thương mại nông sản tại tỉnh Vân Nam chiếm khoảng 15% khối lượng thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu là trái cây, rau quả, thuỷ sản…
ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN, KẾT NỐI
Ông Tiến cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm đến phát triển quan hệ hợp tác với cơ quan chức năng phía Trung Quốc và Vân Nam nói riêng để tăng cường trao đổi, triển khai các hoạt động giao thương, kết nối và xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Vân Nam.
Tổ chức các đoàn doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, sản phẩm OCOP Việt Nam tham gia các triển lãm, hội chợ tại Trung Quốc để giới thiệu sản phẩm chất lượng của Việt Nam với thị trường và người tiêu dùng Trung Quốc.
Đồng thời, hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp thiết bị máy móc nông nghiệp Trung Quốc với các đơn vị sản xuất, các hợp tác xã Việt Nam có nhu cầu. Cũng như hợp tác với một số đơn vị Trung Quốc để phát triển đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP Việt Nam lên kênh thương mại điện tử tại Trung Quốc.
“Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp mong muốn tăng cường hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Bộ NN&PTNT và Sở thương mại tỉnh Vân Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản, thuỷ sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch. Mặt khác, giới thiệu các sản phẩm máy móc nông nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam”, ông Tiến đề xuất.
Tại hội nghị, ông Đàm Vỹ, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam đánh giá, Việt Nam là quốc gia quan trọng tại châu Á, là thành viên quan trọng của Asean và RCEP. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị, sông núi liền nhau, là cộng đồng cùng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược…
Trong giai đoạn 13 năm thương mại Vân Nam (Trung Quốc) – Việt Nam, từ 17,74 tỷ nhân dân tệ năm 2016 tăng lên 35,24 tỷ nhân dân tệ năm 2020, tăng trưởng bình quân năm 18,7%. Không gian hợp tác thương mại giữa hai bên còn rất lớn và còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục triển khai hợp tác thương mại.
Vì vậy, ông Đàm Vỹ cho rằng các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp hai bên cùng chung tay tiến về phía trước, tập trung sâu hơn vào các lĩnh vực hợp tác thực tế, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Ông Đàm Vỹ kiến nghị, hai bên cần tăng cường hợp tác song phương, hợp tác thương mại Vân Nam – Việt Nam là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Hai bên có tính bổ sung nhau mạnh, tiềm năng lớn, nên Vân Nam sẽ áp dụng các biện pháp tích cực hơn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp liên quan mở rộng hơn nữa thương mại song phương.
Vân Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam đặc biệt các loại trái cây và sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Ngược lại, tỉnh Vân Nam kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam tích cực khai thác, phát triển thị trường Vân Nam.
“Chúng tôi sẽ tối ưu hơn nữa môi trường đầu tư để cung cấp các dịch vụ chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Vân Nam đầu tư”, ông Đàm Vỹ khẳng định.
Mặt khác, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhằm tận dụng triệt để các hạ tầng giao dịch của hai bên trong hội chợ sản phẩm…
Source link