Giá gạo xuất khẩu cao nhưng vì sao doanh nghiệp ngần ngại ký hợp đồng mới?

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên kết thúc năm 2023 Xuất khẩu gạo Sóc Trăng bứt phá mạnh nhờ giá tăng

Một tuần lặng sóng

Theo các dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần đầu tiên của năm 2024, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung Thái Lan, Việt Nam và Pakistan không có sự biến động so với những ngày cuối năm 2023.

Cụ thể, ở phân khúc 5% tấm, gạo của Việt Nam và Thái Lan hiện có cùng mức giá 653 USD/tấn, bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Pakistan 60 USD/ tấn – gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức giá 593 USD/tấn.

Ở phân khúc 25% tấm, gạo của Việt Nam hiện có giá cao hơn các nguồn cung khác khi vững mức giá 633 USD/tấn, vị trí thứ 2 là Thái Lan khi có giá 589 USD/tấn, còn Pakistan hiện ở mức 513 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu cao, doanh nghiệp chưa dám ký hợp đồng mới
Xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam bội thu cả về lượng và giá

Cung – cầu thế giới tiếp tục biến động

Mặc dù không biến động song giá gạo toàn cầu hiện được nhận định vẫn ở mức cao theo hướng có lợi cho người bán, bởi nguồn cầu tiếp tục ở mức cao. Chẳng hạn tại Philippines, theo quan chức Bộ Nông nghiệp (DA) nước này cho biết, mức tiêu thụ cả nước khoảng 36.000 tấn/ngày, tương đương khoảng 1,08 triệu tấn/tháng và nguồn cung gạo của nước này sẽ đủ cho đến khi bắt đầu vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 3/2024.

Tuy nhiên, theo một dự báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), việc trồng lúa vụ phụ của Philippines dù đã được tiến hành song lượng mưa dưới mức trung bình ở các vùng trồng lúa có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ phụ (lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ tăng cao được dự báo sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024) do hiện tượng El Nino đang diễn ra. Từ đó, FAO dự báo nhập khẩu gạo năm 2024 của nước này tiếp tục ở mức cao.

Với Bangladesh, các dự báo cho thấy nguồn cung của nước này không đủ so với nhu cầu trong nước và vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Cụ thể, về cung, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo xay xát trong niên vụ 2023/24 (từ tháng 5/2023 – tháng 4/2024) của Bangladesh xuống 36,3 triệu tấn (từ mức 36,4 triệu tấn dự báo chính thức trước đó). Dự báo này giảm nhẹ so với ước tính 36,35 triệu tấn của năm trước. Sự sụt giảm này là do thiệt hại một phần vụ lúa mùa Aman ở một số huyện ven biển do cơn bão “Midhili” tấn công vào ngày 17/11/2023. Trong khi đó về cầu, USDA giữ nguyên dự báo tiêu thụ gạo niên khóa 2023/24 của Bangladesh không thay đổi ở mức chính thức 37,7 triệu tấn do dự báo sản xuất và nhập khẩu gạo thấp hơn. Dự báo tăng nhẹ so với ước tính 37,6 triệu tấn của năm trước.

Ngoài ra, các quốc gia khác gồm Indonesia, Malaysia… cũng được dự báo có nhu cầu lớn trong năm 2024. Từ đó, các chuyên gia dự báo rằng, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025. Về nguyên nhân, báo cáo cho biết do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng EI Nino.

Doanh nghiệp chưa dám ký hợp đồng mới

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, hiện thị trường tiếp tục ghi nhận nhu cầu nhập khẩu từ các nước như: Philippines, Hàn Quốc… Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cho biết rằng, giá chào cao làm hạn chế các giao dịch mới và họ đang tập trung giao các đơn hàng đã ký kết.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group- cho biết, gạo xuất khẩu được giá kể từ giữa năm 2023 tới nay đã đẩy giá gạo trong nước lên mức rất cao.

Ông Có cũng nói rằng giá trong nước rất cao đẩy giá gạo thành phẩm xuất khẩu lên cao, làm giá chào quốc tế không cạnh tranh nên khách không mua. “Giá gạo Việt Nam hiện nay gần như cao nhất thế giới vì vậy hợp đồng ký mới gần như là không có. Thậm chí dù có nhiều bên hỏi mua nhưng giá cao khiến doanh nghiệp chưa dám ký kết”- ông Có thông tin.

Thực tế, trong một báo cáo được đưa ra bởi VFA thì việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục đứng ở mức cao top đầu cũng làm mất đi lợi thế cạnh tranh. Theo đó, giá chào gạo Pakistan hiện ở mức cạnh tranh nhất trên thị trường thương mại gạo thế giới (loại 5% tấm hiện đang thấp hơn của Việt Nam và Thái Lan khoảng 60 USD/tấn). Ngoài Pakistan thì Miến Điện (Myanmar) hiện cũng được cho là lựa chọn của nhiều quốc gia nhập khẩu khi giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của nước này hiện ở mức 613 USD/tấn. “Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tăng nhanh cũng góp phần giúp Miến Điện trở thành lựa chọn ưu thế trong thời điểm này”- VFA nhận định.



Source link