Gỡ nút thắt logistics, tăng giá trị xuất khẩu nông sản Ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để vươn xa |
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, sáng 24/1, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giảm “gánh nặng” chi phí logistics, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Ảnh TTXVN |
Theo Bộ Công Thương, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế,…
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024.
Dự thảo chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 – 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 – 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 – 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 – 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Bên cạnh hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, Bộ Công Thương cho biết, tập trung xây dựng đội tàu biển quốc gia vững mạnh, tập trung hỗ trợ hình thành đội tàu biển container đủ sức chuyên chở hàng hóa đến các thị trường lớn trên thế giới, xây dựng đội tàu bay chở hàng hóa.
Đồng thời, thiết lập hệ thống đại lý, từng bước chuyển sang thiết lập văn phòng, đại diện và chi nhánh ở nước ngoài…
Trước đó, trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 là năm hết sức khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Trên thực tế, chỉ tiêu mà chúng ta đặt ra chưa đạt được. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những điểm sáng khi xuất siêu của Việt Nam vẫn duy trì và thậm chí đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay (gần 28 tỷ USD).
Năm 2024, những lợi thế trong các mặt hàng xuất khẩu vẫn tập trung trong nhóm hàng nông sản. Với các sản phẩm truyền thống, điện thoại, điển tử, dệt may, da giày,… chúng ta cũng đang kỳ vọng vào sự phục hồi chung của thế giới, nếu không có những biến động lớn thì hi vọng xuất nhập khẩu sẽ có phục hồi và vượt qua mức đã đạt được năm 2023.
“Về dài hạn, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics cho giai đoạn 10 năm tới, hi vọng đây là chiến lược đầu tiên khi được ban hành trong lĩnh vực này, từ đó, sẽ giúp cho ngành logisctics có một bước đi dài hạn, tầm nhìn lớn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Hiện, tại Việt Nam, có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán….
Những năm trước, chi phí logistics của Việt Nam ở mức khoảng 20% GDP đến năm 2022 con số này giảm xuống 18% GDP vào năm 2022. Theo kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm mức chi phí này còn 16 – 20% GDP. Tuy nhiên, so với thế giới, mức này vẫn còn cao (chi phí logistics trên thế giới hiện khoảng 11% GDP).