Bài 2: Khơi thông dòng chảy nông sản, mở cửa thị trường Bài 1: Chuỗi giá trị nông sản được nối dài |
Khi dòng chảy nông sản thông suốt
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, xe container chở nông sản vẫn ùn ùn chạy lên cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Trong đó, xe chở trái cây và nông sản xuất sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Xe container nhộn nhịp tiến về cửa khẩu – Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) – cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu những ngày đầu năm 2024 qua địa bàn diễn ra thông suốt.
Cụ thể, tại lối mở cầu phao Km3+4 chủ yếu là hoa quả, thủy hải sản xuất khẩu. Tại cầu Bắc Luân 2, hàng hóa xuất nhập khẩu gồm bánh kẹo, bong bóng cá xuất khẩu và nguyên liệu gia công, nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, hàng tạp hóa nhập khẩu.
Tương tự, theo đại diện Chi cục hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), từ đầu tháng 1/2024 đến nay, lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tăng, trung bình mỗi ngày trên 400 xe, trong đó, khoảng 300 xe xuất khẩu.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, lượng xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua 6 cửa khẩu đường bộ hiện đang thực hiện thông quan của tỉnh đạt trung bình 1.200 xe/ngày, tăng gần 300 xe so với thời điểm cuối tháng 11/2023.
Theo các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu, để đảm bảo phòng tránh ùn ứ cũng như thuận tiện điều tiết hàng hóa được thông quan nhanh chóng, cơ quan hải quan phối hợp với đơn vị quản lý bến bãi để phân khu, phân luồng riêng biệt đối với xe hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
Với những mặt hàng là nông sản quả tươi, hải quan luôn tạo điều kiện ưu tiên, xử lý các thủ tục giấy tờ có liên quan nhanh chóng, chính xác để được thông quan ngay trong ngày. Lực lượng công chức hải quan làm việc tới khi hết xe hàng mới nghỉ, tầm 19h30 đến 20h hàng ngày.
Cùng với đó, hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết sẽ được các lái xe trực tiếp đi thẳng vào các bãi hàng khu vực cửa khẩu hai bên để sang tải và tiến hành giao nhận hàng hóa; thay vì phải hạ tải, chờ xe không có hàng đến nhận như trước đây. Điều này rất thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ hàng trong kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu dễ dàng, thuận tiện, giảm được nhiều chi phí.
Và dấu ấn của ngành Công Thương
Nếu như cách đây hơn mười năm, quy mô hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc chỉ ở mức 20 tỷ USD, thì nay, con số này đã tăng 8 lần.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 171,84 tỷ USD đạt được trong năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Và trong dòng chảy thông suốt nông sản hàng hóa tại các cửa khẩu, biên mậu có sự đóng góp lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hoá Việt Nam.
Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu.
Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc diễn ra ngày 9/12/2023, vị tư lệnh ngành Công Thương – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.
“Chúng ta cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn, và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh đồng thời đề nghị các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 28/6/2023 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía bạn thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc, thúc đẩy nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi các nước thứ ba.
Mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu
Nhận định về thị trường xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, Trung Quốc là thị trường chủ lực, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng bùng nổ trong năm 2024. Ngoài những mặt hàng đã ký kết xuất khẩu chính ngạch trước đó, tới đây hai nước sẽ ký thêm Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, thuỷ sản, ớt, dược liệu,…
Xuất khẩu rau quả là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 2023 |
Là một trong những doanh nghiệp vừa tham gia đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam – chia sẻ, doanh nghiệp được tiếp cận với các tập đoàn, doanh nghiệp nhập khẩu lớn của Trung Quốc chuyên về sản phẩm sầu riêng chế biến. Qua đây cho thấy, tín hiệu về thị trường sầu riêng chế biến tốt sẽ góp phần tăng thêm giá trị xuất khẩu mảng trái cây.
“Nếu năm 2023 là năm khởi động thì năm 2024 chúng tôi kỳ vọng sẽ là năm tăng tốc cho mặt hàng sầu riêng nói riêng và rau quả Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết.
Đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group – cho biết, doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn của đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc. Mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này. Tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương trong nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn lớn.
Dù vậy, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – đánh giá, Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Thị trường này đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung, nông lâm thủy sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Tô Ngọc Sơn cũng khuyến nghị về phía cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; Xây dựng vùng sản xuất/ nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; Định hướng sản xuất/nuôi trồng theo tín hiệu thị trường,…
Bên cạnh đó, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật; xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; Nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; Tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; Xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)… |
Bài 4: Tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản liệu có ăn may?