Tiếp tục khai thác tốt các thị trường tiềm năng

Việt Nam xuất khẩu điện thoại đứng thứ 2 thế giới

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng mạnh 50,4% so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2023, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng 11,4%.

4123-xk-dien-thoai
Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam đứng thứ 2 trên bản đồ thế giới, trong đó Mỹ và Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của điện thoại và linh kiện Việt Nam…

Báo cáo cũng đề cập đến thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 1/2024 là Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đã xuất sang Mỹ hơn 1,39 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 25% trong số các thị trường xuất khẩu. Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 734 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13%. Hàn Quốc đứng thứ 3 với hơn 330 triệu USD, tương đương 6% tỷ trọng.

Báo cáo Bộ Công Thương cũng chỉ ra, trong tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024).

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện chỉ đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu…Trong suốt giai đoạn 2011 đến 2021, nhóm hàng điện thoại và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao. Bình quân cả giai đoạn 2011-2021 tăng 34%.

Trong năm 2023, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã thu về hơn 52,3 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2022, đồng thời là mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao thứ 2 trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Trước đó, năm 2023, sản lượng điện thoại di động của Việt Nam đạt hơn 197,3 triệu chiếc, giảm 9,9% so với năm 2022.

Theo báo cáo từ HSBC, kể từ năm 2021, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Việt Nam đã giành 13% thị phần, nhanh chóng vượt qua Ấn Độ vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Hơn 50% điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. “Việt Nam đang trở thành “đại bản doanh” hấp dẫn các ông lớn trong ngành điện thoại và linh kiện, một trong số đó phải kể đến Apple trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”- báo cáo nêu.

Theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, hiện có 25 nhà cung ứng của tập đoàn này đang đặt nhà máy tại các tỉnh thành của Việt Nam. Danh sách này bao gồm các nhà thầu lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe, linh kiện khác. Một loạt nhà cung cấp của Apple gần đây đã mở rộng quy mô nhà máy.

Trong khi đó, Foxconn, một trong các nhà thầu lớn nhất của Apple đang từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang thị trường Việt Nam. Từ cuối năm 2022, Foxconn đã ký hợp đồng thuê một lô đất rộng khoảng 45 ha nằm trong KCN Quang Châu (Bắc Giang). Đến tháng 5/2023, doanh nghiệp này tiếp tục thuê một khu đất rộng 48 ha tại KCN WHA (Nghệ An) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD.

Cần có bước chuyển đổi về cơ cấu ngành hàng

Bộ Công Thương cho rằng, đối với ngành điện tử trong đó có xuất khẩu điện thoại và linh kiện cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định FTAs mang lại; thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Bên canh đó, tiếp tục hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh…

Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia…Đồng thời mặt hàng này cũng cần tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…

Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh trở lại. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong đó có xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong những năm tới.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Với việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới.

Tuy nhiên xuất khẩu điện thoại, linh kiện trong thời gian tới cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới; Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình chính kinh tế, chính trị trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu điện thoại và linh kiện Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tốt. Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.



Source link