Xuất khẩu tăng 23%, doanh nghiệp thủy sản đón nhiều đơn hàng mới

Sau thời gian ảm đạm, 2 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam khởi sắc trở lại khi các doanh nghiệp đón “sóng” tăng trưởng từ hầu hết các mặt hàng.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy – Giám đốc bán hàng Tập đoàn Nam Việt – cho biết, năm 2023 xuất khẩu cá tra ít khởi sắc nhưng những tháng đầu năm 2024, thị trường suôn sẻ trở lại vì các nước bắt đầu đặt đơn hàng lớn. Tập đoàn cũng đã ghi nhận nhiều tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, các khách hàng tiềm năng ở Mỹ đã “kết nối lại” đặt hàng cá tra phi lê sau gần một năm ảm đạm.

Với mặt hàng tôm, ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) chuyên xuất khẩu mặt hàng tôm, đánh giá thị trường nhập khẩu hiện có nhu cầu cao, nhất là Trung Quốc và Trung Đông.

Xuất khẩu tăng 23%, doanh nghiệp thủy sản đón nhiều đơn hàng mới
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương trở lại

“Nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đang bán hàng trực tiếp cho khách lẻ qua kênh thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng cao nên cần lượng hàng lớn. Họ đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên chấp nhận giá cao hơn”, ông Khoa nói.

Trao đổi về tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2 tháng đầu năm, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) – thông tin, 2 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương trở lại.

Theo đó, xuất khẩu thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 365 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

“2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu tốt. Điều này đến từ các thị trường nhỏ như Anh, Canada, Mexico, đặc biệt Brazil. Thực tế năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Brazil đã tăng tới 3 con số trong tháng cuối năm và Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng thay vì chỉ xuất khẩu mặt hàng phi lê cá tra đông lạnh sang thị trường này”, ông Hòe nói.

Với mặt hàng tôm, tính tới hết tháng 2, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%.

Về các thị trường, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia là những nước có tín hiệu nhập khẩu khả quan. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt. Thêm vào đó, tôm Việt còn có lợi thế hơn đối thủ bởi Ecuador đang bị cảnh báo do tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng.

Mặc dù vậy bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông VASEP cho rằng, vấn đề tồn kho và dư cung vẫn đang tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu các loài thủy sản chính như tôm, cá tra… Trong khi đó, xuất khẩu hải sản vẫn đang trong giai đoạn khó vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc làm xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ. Cùng với đó, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu nhập khẩu vì những quy định liên quan IUU.

“Tháng 3 và tháng 4, các doanh nghiệp thủy sản sẽ tham gia các chương trình Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Boston, Mỹ và Barcelona, Tây Ban Nha, kỳ vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn cho đơn hàng của doanh nghiệp sau các sự kiện này”, bà Lê Hằng kỳ vọng.



Source link