Xuất khẩu gạo vẫn lo ngại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; giá gạo xuất khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ.
Trước đó, theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2024, xuất khẩu gạo đạt 663,2 nghìn tấn, thu về gần 466,6 triệu USD, tăng lần lượt 14,4 và 53,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2024 tăng gần 50% (Ảnh minh họa) |
Bà Bùi Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc thông tin, tháng 1 vừa qua, Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.
Tuy nhiên, hiện việc xuất khẩu gạo khó khăn do giá xuống, một số nước không chào gạo Việt Nam, một số thương nhân bỏ kèo khi mua hàng của bà con. “Tổng công ty có chào hàng một số nhà nhập khẩu, nhưng họ nói “sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau”. Giá cả thị trường thế giới hiện nay đang có sự điều chỉnh”, bà Tâm chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Việt Hưng, sau Tết, thu hoạch lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rầm rộ lên giá gạo có giảm đôi chút. Hiện nay, giá gạo đã tăng trở lại, thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động.
Theo các chuyên gia, do hiệu ứng tháng 1 năm ngoái là tháng có Tết nên năm nay xuất khẩu gạo “bứt phá”, nhưng xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là về giá. Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục khả quan khi các thị trường lớn cho thấy nhiều tín hiệu tăng nhập khẩu. Mặc dù vậy, các địa phương, doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo lắng về thông tin thị trường, làm sao bám sát để tận dụng tốt thời cơ.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, dự kiến sản lượng lúa gạo cả nước năm 2024 sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2023 trong điều kiện thời tiết lạc quan. Tuy nhiên, khối lượng tồn kho gạo mang sang năm 2024 giảm mạnh do đó cần cân đối chặt chẽ sản lượng lúa thu hoạch các vụ với nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá gạo nội địa theo đó cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên có liên quan được thuận lợi hơn.
Ở góc độ địa phương, ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, hiện có một số doanh nghiệp chào giá thấp hơn thị trường, đơn cử một doanh nghiệp thì chào 900 USD/tấn nhưng cũng chủng loại gạo đó, một doanh nghiệp khác lại chỉ chào 800 USD, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Ông Hà Vũ Sơn cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước, chủ động đàm phán xuất khẩu trong hiện tại và tương lai.
Cần tận dụng cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu gạo
Hiện sản lượng gạo của Việt Nam chiếm khoảng 15 – 18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới. Trước bối cảnh thị trường với cơ hội và thách thức đan xen, để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo mục tiêu điều hành, tận dụng tốt cơ hội để tiếp tục xuất khẩu tốt sang các thị trường truyền thống và tiếp cận, gia tăng thị phần tại các quốc gia còn nhiều tiềm năng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ… Tổ chức tốt việc triển khai nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Về nâng cao năng lực, phát triển chuỗi cung ứng, ông Trần Quốc Toản cho hay, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh doanh, thông tin thị trường, đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để nắm bắt thông tin; hỗ trợ địa phương và các thương nhân cải tiến đồng bộ chuỗi cung ứng ngành lúa gạo theo hướng bền vững; ứng dụng công nghệ để đảm bảo đầu ra, nâng cao chất lượng và trị giá sản phẩm gạo.
Tiếp tục phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về các quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hiệp định song phương để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho lượng hạn ngạch cho Việt Nam.