Sản xuất xanh, ‘con đường độc đạo’ để xuất khẩu xanh

Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu xanh Chuyển đổi xanh được xem là tất yếu và sống còn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ưu tiên hàng đầu

“Trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường”, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – chia sẻ về kế hoạch sản xuất xanh, thích ứng với thị trường xuất khẩu xanh hiện nay.

Theo ông Thân Đức Việt, việc “xanh hóa” sản xuất đã được May 10 triển khai trong khoảng 3 năm nay, bởi doanh nghiệp xác định đây không phải việc muốn hay không mà đó chính là yêu cầu bắt buộc.

Sản xuất xanh, ‘con đường độc đạo’ để xuất khẩu xanh
Sản xuất xanh, ‘con đường độc đạo’ để xuất khẩu xanh

Đại diện May 10 cho hay, trong khoảng 3 năm nay, doanh nghiệp đã triển khai bằng những việc làm cụ thể. Thứ nhất, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng. Thứ hai, đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái. Thứ ba, liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước. Các chuyên gia nhận định, kết quả này đạt được nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới dần ấm lại từ cuối năm 2023. Cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước xoay xở tìm đơn hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp ngành hàng dệt may cũng đã từng bước thích ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu đó là sản xuất xanh.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng nông sản lâm thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 9,3%; xuất khẩu tăng trưởng 38,8%. Trong đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã thu về 1,38 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục khi vượt qua mốc 1 tỷ USD. Hiện châu Âu là thị trường nhập nhiều cà phê Việt nhất, với 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kế đến là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Indonesia.

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Intimex Group – cho hay, thời điểm này năm ngoái, giá cà phê chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, hiện đã lên mức trên 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đây được nhận định là mức giá trong mơ của người trồng cà phê.

Lý do khiến giá cà phê tăng cao được ông Đỗ Hà Nam lý giải là do hiện nay, nguồn cung đang thiếu và gần như chúng ta đang “một mình một chợ”. Ngoài nguyên nhân trên thì việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về Quy định chống phá rừng của EU, trong khi đó, về cơ bản cà phê Việt đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước. Tính chung, 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng; có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, có nhiều yếu tố trợ lực cho xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong đó, phải kể đến quá trình xanh hóa sản xuất, giảm phát thải carbon đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn. Mặc dù sự thay đổi chưa quá nhiều, nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với các thị trường khó tính.

Đường dài, cần kiên định mục tiêu

Thống kê cho thấy, 250 thương hiệu lớn trên thế giới trong ngành dệt may đã công bố lộ trình cần phải sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn được trong quá trình phát triển của họ từ nay đến năm 2050. Đặc biệt, từ nay đến năm 2030 bắt đầu đi vào quá trình thay đổi thì áp lực sẽ rất lớn.

Các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Bên cạnh câu chuyện của khách hàng và thị trường thì bản thân các quốc gia cũng đã thể chế thành những yêu cầu của luật pháp. Ở châu Âu có Thỏa thuận Xanh (EGD) đặt ra các mục tiêu đến 2030 – 2050, trong đó có thỏa thuận riêng về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ của sản phẩm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép, xi măng, phân bón cần nghiên cứu quy định của thị trường EU để tính lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất.

Tương tự, quy định Due Diligent (thẩm định chuyên sâu) trong Quy định chống mất rừng (EUDR) cũng sẽ có hiệu lực trong năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, đồ gỗ, cao su cần phải thực hiện thủ tục chứng nhận không phá rừng với hướng dẫn rất chi tiết của EU.

Dự kiến trong năm 2024, EU cũng đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm trong Fark to fork. Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng.

‘Xanh hóa’ sản xuất không phải muốn hay không mà đó chính là yêu cầu bắt buộc, là “con đường độc đạo” nếu không muốn chậm chân khỏi cuộc chơi của toàn cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ‘sản xuất xanh’, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – nhận định, các doanh nghiệp vẫn đang đối diện với vấn đề về công nghệ, giá thành,… và buộc các doanh nghiệp cần phải chấp nhận hy sinh tài chính, vượt qua những thách thức này để đáp ứng được yêu cầu và không bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.

Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, một mặt không phải nộp thuế carbon, mặt khác sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh đòi hỏi chi phí chuyển đổi rất lớn, thời gian chuyển đổi sẽ lâu hơn. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm kê khí nhà kính sẽ nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.

Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cần sự đồng hành của Chính phủ, Bộ ngành trong việc tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến ‘sản xuất xanh’. Trong đó chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.

“Sự thay đổi không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, với các sản phẩm xanh hơn, sạch hơn, từ đó, hàng hóa Việt Nam sẽ thâm nhập vào các thị trường một cách tốt hơn. Việc này có ý nghĩa lâu dài đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.



Source link