Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sáng tạo đạt 14.153 triệu USD
Sáng 12/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức – do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD vào năm 2002 lên 524 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất từ năm 2007.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Dương, tỷ trọng hàng hoá sáng tạo có sự thay đổi đáng kể từ năm 2006 đến nay. Xuất khẩu đĩa CD, DVD, băng, báo và tài liệu in khác giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu các phương tiện truyền thông và ghi âm trò chơi điện tử tăng mạnh. Tỷ trọng hàng hoá sáng tạo trong tổng hàng hoá xuất khẩu ở khu vực châu Á ngày một tăng lên, trong khi ở các khu vực khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh có xu hướng giảm.
Theo thống kê của đại diện CIEM, Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu bao gồm: Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ba Lan, Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Nhật Bản với tổng 176.704 triệu USD, chiếm 33,7% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo trên thế giới.
Trong khi đó, Top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thái Lan với tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo đạt 276.997 triệu USD, chiếm 33,7% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới.
Như vậy, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam nằm trong Top 3 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu với 14.153 triệu USD.
Xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD vào năm 2002 lên 524 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất từ năm 2007 |
Cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế sáng tạo
Theo CIEM, các ngành kinh tế sáng tạo gồm có: Thủ công mỹ nghệ; thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình; phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phầm mềm; du lịch và di sản văn hoá; âm nhạc và giải trí; xuất bản và văn học; sáng tạo nội dung số; tiếp thị và quảng cáo số. Trong đó, nhân tố hỗ trợ kinh tế sáng tạo tại Việt Nam là dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; chính sách tạo thuận lợi của nhà nước; di sản văn hoá phong phú; quá trình số hoá diễn ra nhanh chóng và tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu.
các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, một số chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam đã được ban hành, trong đó có nhóm chính liên quan đến chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, ưu đãi đất đai và mặt bằng hoạt động, pháp luật về thương mại; pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cùng với đó là những chính sách phát triển kinh tế sáng tạo ở cấp độ ngành như: Liên quan đến nghệ thuật biểu diễn có Nghị định số 144/2020/NĐ-CP; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg.
Liên quan đến ngành phát thanh và truyền hình thì có Quyết định số 512/QĐ-BTTTT đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng (game online) giai đoạn 2022-2027. Ngành công nghệ thông tin thì có Luật Công nghệ thông tin năm 2006; lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có Quyết định số 801/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Mặc dù có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cấp vốn cho các dự án kinh tế sáng tạo, đổi mới sáng tạo nhưng theo ông Nguyễn Anh Dương, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các dự án kinh tế sáng tạo tại Việt Nam. Cụ thể, khảo sát tại một số địa phương như Phú Thọ, Sơn La, Phú Yên cho thấy, kinh tế sáng tạo còn là một nội dung rất mới và chưa được hiểu một cách nhất quán.
Trên cơ sở đó, để tận dụng được cơ hội, thúc đẩy kinh tế sáng tạo tại Việt Nam phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia phát triển. Ví dụ, tại Hàn Quốc – Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu thế giới thì kinh tế sáng tạo được quốc gia này đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn từ năm 2013. Chính phủ Hàn Quốc coi nền kinh tế sáng tạo là một chiến lược kinh tế mới, tạo ra các ngành công nghiệp và thị trường mới bằng cách tích hợp, điều chỉnh trí tưởng tượng và tính sáng tạo khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, tạo việc làm bền vững thông qua đẩy mạnh các ngành công nghiệp truyền thông. Nhờ đó, một số ngành công nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc có mức xuất khẩu cao như: Trò chơi có mức xuất khẩu 2,9 tỷ USD vào năm 2014.
Hay tại Mỹ, hiện có 4,01% tổng số doanh nghiệp và 2,01% số lao động đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau. Hoạt động kinh tế văn hoá và nghệ thuật chiếm 4,4% GDP, tương đương 1,02 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Để hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo, năm 2022, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã đưa ra Đạo luật Thúc đẩy lực lượng lao động kinh tế sáng tạo và nghệ thuật địa phương (PLACE) thông qua việc tăng nguồn lực liên bang và mở rộng lợi ích liên bang cho những người sử dụng tính sáng tạo và kỹ năng trong công việc; trao quyền cho những người lao động sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng ở các doanh nghiệp mới và hiện có, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu văn hoá Mỹ ra nước ngoài; thành lập hội đồng liên ngành khuyến khích phát triển nền kinh tế sáng tạo.