Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam

Trung Quốc chiếm khoảng 11% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam

Theo công bố của Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 2,63 triệu tấn gạo, giảm 57,5% so với năm 2022. Tính riêng trong tháng 12, Trung Quốc nhập khẩu 230.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với cùng kỳ. Thái Lan vẫn là đối tác cung ứng gạo lớn nhất của Trung Quốc trong tháng 12/2023.

xuất khẩu gạo
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam

Nhiều năm nay, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm mức dưới 4% tổng sản lượng sản xuất gạo trong nước. Trong đó, một số loại gạo chất lượng cao được bổ sung vào tiêu thụ ở phân khúc gạo cao cấp, một số loại gạo phổ thông dùng để phối trộn với các loại gạo của sở tại hoặc được chế biến, đóng gói theo thương hiệu của doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, gạo phẩm cấp thấp, gạo tấm được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến (sản xuất tinh bột, sản xuất rượu) và ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam (tụt 1 bậc so với năm 2022 và đứng sau Philippines và Indonesia), chiếm khoảng 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu được 917.255 tấn với kim ngạch đạt khoảng 530,6 triệu USD (giá bình quân 578 USD/tấn; cao hơn một chút so với hai đối tác xếp trên với 559 USD và 549 USD/tấn).

Cập nhật thông tin thị trường, nắm bắt thời cơ để xuất khẩu

Trong giai đoạn 2017 – 2022, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự biến động tương đối lớn. Nếu như năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu lên đến 1 tỷ USD sản phẩm gạo của Việt Nam, đến năm 2019, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 240 triệu USD và phục hồi trở lại trong giai đoạn 2020 và 2021 và có xu hướng giảm trong hai năm trở lại đây.

Theo Tham tán Thương mại tại Trung Quốc, hàng năm, Trung Quốc ban hành hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo. Năm 2023, hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này ở mức 5,32 triệu tấn, trong đó hạn ngạch dành cho gạo hạt dài với 2,66 triệu tấn và gạo hạt ngắn với 2,66 triệu tấn. Con số này không thay đổi trong những năm trở lại đây.

Hiện, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này (trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp đã được cấp phép).

Hiện nay, các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì.

Qua công tác nắm tình hình, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhận thấy, bao bì gạo của Thái Lan, Lào có mặt tại hệ thống siêu thị của Trung Quốc (thậm chí cả hệ thống siêu thị khu vực phía Bắc Trung Quốc – khu vực tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa và yêu cầu về bao bì) được đóng gói hết sức chắc chắn, bắt mắt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa gạo Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, biến động về nguồn cung ứng lương thực toàn cầu có nhiều biến động, do đó cơ cấu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc cũng bị tác động.

Năm 2024, khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu gạo để điều tiết hài hòa giữa nhập khẩu và sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, dự báo năng lực nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Với việc Ấn Độ vừa ban hành chính sách cấm xuất khẩu gạo vừa qua, mặc dù chính quyền Trung ương Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính sách cụ thể nào, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm Trung Quốc đã bắt đầu có những động thái tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Với việc Trung Quốc có hạn ngạch nhập khẩu, đồng thời nguồn cung bị thu hẹp, giá cả dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, không loại trừ khả năng sẽ có hiện tượng thu mua ồ ạt từ một số đơn vị nhập khẩu tại địa bàn. Trong những ngày qua, một số đơn vị nhập khẩu của Trung Quốc đã liên hệ, tìm kiếm đối tác được phép xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về gạo tấm nhập khẩu (một trong những sản phẩm thay thế chính cho ngô và lúa mì sử dụng trong công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi), theo nhận định của chuyên gia nước này, với việc Ấn Độ đã ban hành Lệnh cấm xuất khẩu gạo, do vậy sản lượng nhập khẩu tấm từ các đối tác này dự báo sẽ giảm so với hai năm trước đó (2022 và 2023) và Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ các đối tác khác trong đó có Việt Nam.

Việt Nam có khả năng cung ứng tốt các dòng gạo được ưa chuộng tại Trung Quốc (như các dòng gạo thơm phẩm cấp cao, gạo ST, gạo nếp,…) và đã thiết lập quan hệ bạn hàng truyền thống lâu năm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nhận thức Trung Quốc là một thị trường quan trọng, đứng thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, từ đó không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định và phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Dù vậy, ông Nông Đức Lai – Tham tán Thương mại tại Trung Quốc lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tăng cường hơn nữa cập nhật thông tin thị trường, nắm bắt thời cơ để xuất khẩu. Đồng thời, cần đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của nước bạn để mở rộng xuất khẩu cũng như tập trung xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường tỷ dân này.



Source link