Xuất khẩu tuần từ 8-14/4: 2 nhóm hàng xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 3 con số Xuất khẩu tuần từ 15-21/4: Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, xuất khẩu cao su khởi sắc |
Đến 15/4, Việt Nam có 18 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2024 đến ngày 15/4, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt 107,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với mức 92 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước.
Việt Nam có 18 mặt hàng có kim ngạch tỷ USD, chiếm tới 84% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nền kinh tế ra thế giới. Trong đó, có ba mặt hàng từ 10 tỷ USD trở lên lần lượt là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 18,8 tỷ USD (tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; điện thoại và linh kiện với 16,1 tỷ USD (tăng 5,6% so với cùng kỳ); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 12,6 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ).
Đến 15/4, Việt Nam có 18 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD |
Trong nhóm điện tử, Việt Nam còn xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,5 tỷ USD, tăng tới 69% so với cùng kỳ năm trước; dây điện và dây cáp điện đạt 903 triệu USD, giảm 0,4%so với cùng kỳ…
Tính đến ngày 15/4, Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc đạt 16,7 tỷ USD, tăng 8,4% so với mức 15,4 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng dệt may đạt 9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm này. Đứng sau là giày dép với 5,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; xơ sợi dệt các loại đạt 1,23 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt may với 597 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ; vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 228 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong nhóm lâm nghiệp, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,19 tỷ USD, tăng tới 25% so với mức 3,34 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy đạt 577 triệu USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ; cao su đạt 671 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ; sản phẩm từ cao su đạt 335 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm này của Việt Nam đạt 5,78 tỷ USD, tăng 20,6% so với mức 4,79 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm nguyên vật liệu, Việt Nam xuất khẩu sắt thép với 2,69 tỷ USD, tăng tới 37% so với mức 1,95 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước; kim loại đạt 1,22 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ; hóa chất với 809 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ; xăng dầu đạt 569 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ); dầu thô với 772 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ; than đạt 6,3 triệu USD, tăng tới 472% so với cùng kỳ…
Trong nhóm nông, thủy sản, tính đến ngày 15/4, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm này đạt 9,65 tỷ USD, tăng 27,8% so với mức 7,55 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước. Có 4 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, bao gồm thủy sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; cà phê đạt 2,23 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ; gạo đạt 1,74 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ; hàng rau quả đạt 1,55 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm kỳ vọng đà tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 3/2024, xuất khẩu tôm đạt gần 272 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù mức tăng trưởng còn khiêm tốn nhưng điều này cho thấy sức mua từ các thị trường đang phục hồi trở lại.
Tháng 3/2024, xuất khẩu tôm đạt gần 272 triệu USD |
Tháng 3/2024, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ là 2 thị trường nổi bật, ghi nhận tăng trưởng lần lượt 17% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc& Hồng Kông (Trung Quốc) thu về 128 triệu USD, tăng 75%; xuất khẩu sang Mỹ đạt 121 triệu USD, tăng 16%.
Xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và EU trong quý đầu năm nay vẫn ghi nhận giảm từ 2%-14% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong quý đầu năm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam khá sôi động sang một số thị trường nhỏ hơn như Canada, Đan Mạch, Anh, Đài Loan, Nga với mức tăng trưởng từ 17% – 224% so với cùng kỳ.
Quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang gần 90 thị trường. Kỳ vọng, đà tăng trưởng trong quý đầu năm vẫn sẽ được duy trì trong quý tiếp theo khi tồn kho tại các thị trường giảm, tín hiệu thị trường đã có phần sáng hơn.
Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ quý I tăng cao nhất từ trước đến nay
Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu quý I/2024 được Tổng cục Hải quan công bố hôm nay (24/4) cho thấy, xuất khẩu trong quý đạt 67,17 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 8,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang 10 thị trường lớn nhất đều tăng, trong đó đóng góp lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ tăng 5,02 tỷ USD, tiếp theo là EU, tăng 1,8 tỷ USD, Trung Quốc tăng 1,2 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,02 tỷ USD, ASEAN tăng 0,98 tỷ USD, Hàn Quốc tăng 0,51 tỷ USD… Tính riêng kim ngạch xuất khẩu sang 6 thị trường quan trọng này đã tăng tới 10,52 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong quý 1/2024 đạt 25,77 tỷ USD, tăng tới 24,2% |
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong quý 1/2024 đạt 25,77 tỷ USD, tăng tới 24,2% (tương ứng tăng 5,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đóng góp lớn nhất cho tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đây cũng là mức kim ngạch tăng cao nhất ở thị trường này trong quý 1 kể từ trước đến nay.
EU là khối thị trường có đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta, vượt qua cả Trung Quốc và khu vực ASEAN. Trong quý 1/2024, xuất khẩu sang EU đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 1,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông trong quý 1/2024 có tốc độ tăng cao nhất trong tất cả các thị trường chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong quý đạt 2,94 tỷ USD, tăng 53,7% (tương ứng tăng 1,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) tăng cao chủ yếu do nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 2,02 tỷ USD, tăng tới 105% (tương ứng tăng 1,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam lần đầu vào top 5 nhà cung cấp thủy sản cho Singapore
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, quý 1/2024 Singapore nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đạt hơn 24 triệu SGD, tương ứng khoảng 17,6 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn thứ 5 của thị trường này..
Theo thống kê của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore, quý 1/2024, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 340 triệu SGD (tương ứng khoảng 249,7 triệu USD), giảm 5,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam lần đầu vào top 5 nhà cung cấp thủy sản cho Singapore |
Nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore gồm tôm, cua, thủy sản giáp xác (HS0306), chiếm gần 25% tổng lượng tiêu thụ của thị trường; tiếp đến là cá tươi, ướp lạnh (HS0302), chiếm 19,86%; phi lê cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh (HS0304), chiếm 18,15%…
Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu (chiếm 13,6% tổng kim ngạch nhập khẩu), tiếp theo là Na Uy (chiếm 11,45%), Indonesia xếp thứ 3 (11,13%), Trung Quốc xếp thứ 4 (10,15%).
Đứng vị trí thứ 5 là Việt Nam, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore với thị phần là 8,58%. Cụ thể, quý 1/2024, Singapore nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đạt 24 triệu SGD (khoảng 17,6 triệu USD), tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam hiện chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh với (chiếm 26,85%) và cá chế biến (chiếm 16,88%).