Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì bức tranh sáng

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%.

Xuất khẩu hàng hóa dự báo tiếp tục giữa đà tăng trưởng
Xuất khẩu hàng hóa dự báo tiếp tục giữa đà tăng trưởng

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước ghi nhận có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 108,27 tỷ USD, chiếm 87,5%.

Xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 18 tỷ USD, tăng 14,4%; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 8,4 tỷ USD, tăng 10,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng qua, có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 108,33 tỷ USD, chiếm 94%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 41,6 tỷ USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4, riêng mặt hàng rau quả, xuất khẩu ước đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu rau quả giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến. Ngành rau quả đang được kì vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.

Đa dạng thị trường để duy trì đà tăng trưởng

Trước đây, thị trường xuất khẩu chủ yếu mặt hàng rau quả của Công ty CP Ameii Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp chuyển hướng tìm kiếm đơn hàng từ khu vực Trung Đông, Nam Á và hướng đến kế hoạch tăng doanh thu 50% trong năm 2024.

Ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam – cho hay, trước đây, thị trường Kuwait ít đươc doanh nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, doanh nghiệp bắt đầu khai phá với các sản phẩm nông sản, trong đó có trái vải và ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Với ngành dệt may, 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, các đơn hàng từ các thị trường mới khai thác đều tăng trưởng tốt.

Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Công ty May 10 – chia sẻ, quý I/2024 chúng tôi có đơn hàng tốt hơn so với quý I/2023. Đáng chú ý, các đơn hàng quý II và nửa đầu quý III/2024 cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn. Các thị trường lớn tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, và những thị trường mà doanh nghiệp mới khai thác như Canada, ASEAN, Trung Quốc đều có những lượng đặt hàng tương đối tốt.

Để duy trì gam màu sáng trong bức tranh xuất khẩu, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các thị trường lân cận của Việt Nam, nơi mà có các FTA với các ưu đãi lớn như khu vực RCEP, khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN hay khối thị trường CPTPP. Cùng với đó là khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, thực tế, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III. Do đó, chúng tôi cũng kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa trong quý III và quý IV sẽ nhiều hơn, từ đó, tạo cơ hội tốt hơn cho xuất khẩu.

Đặc biệt là thị trường trọng điểm xuất khẩu như Hoa Kỳ đang có nhu cầu tiêu dùng lớn. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng rất tốt. Phía Hoa Kỳ cũng đang tạo mọi điều kiện để cho thúc đẩy hoạt động giao thương giữa 2 nước. Mặt khác, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng nắm bắt được các yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý II/2024 nói riêng và cả năm 2024 sẽ bứt phá.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu… Do đó, bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ các FTA, đồng thời khai thác thị trường mới, cũng như sử dụng sản phẩm ngách để tạo lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, mở ra cơ hội cho xuất khẩu bền vững.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra. Trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà Việt Nam đã ký kết và đi vào thực thi. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số. Giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.



Source link