Xuất khẩu gạo tăng cao
Liên tục nhận được những đơn hàng sang các thị trường khó tính, ông Đinh Minh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cho biết, những tháng đầu năm đơn hàng từ các thị trường chủ lực như châu Âu, Hong Kong (Trung Quốc) khá đều đặn. Theo đó, trung bình mỗi tháng đơn vị xuất khẩu 2 container gạo sang các thị trường này. Riêng thị trường Mỹ, nhờ nhu cầu gạo tăng lên mỗi năm nên doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng xuất khẩu.
“Các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp đều tăng trưởng tốt với giá bán cao. Cỏ May chỉ xuất gạo lúa tôm, lúa tôm sinh thái. Từ đầu năm đến nay, điều kiện thị trường, thị phần tăng đều trưởng tốt, giá bán cao trên 1.000 USD/tấn”, ông Tâm cho biết.
Cho biết thêm về những thuận lợi trong xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm, bà Huỳnh Thị Bích Huyền – Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ, năm 2024 xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng nhiều, giá bán cũng có xu hướng tăng lên. Hiện nhu cầu từ các thị trường như Philippines, Indonesia vẫn đang tăng lên.
Xuất khẩu gạo vẫn đối mặt nhiều thách thức |
Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 3,23 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 11,7% về lượng và tăng mạnh 36,5% về giá trị.
Trong tháng 4/2024, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 623 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng 3 nhưng vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu gạo bình quân neo cao, ở ngưỡng 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, sau một thời gian sụt giảm, giá gạo xuất khẩu đang phục hồi trở lại. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang neo ở ngưỡng 580 USD/tấn, tương đương giá gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn hàng của Pakistan 10 USD/tấn.
Nhận định về thị trường gạo quý II/2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, giá gạo thế giới và gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân do nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái. Thái Lan cũng sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Đối mặt nhiều thách thức
Mặc dù ghi nhận kết quả cao, song theo các chuyên gia xuất khẩu gạo vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng biến động thời tiết. Cùng với đó là những rủi ro kinh tế, chính trị trên thế giới khiến thị trường gạo diễn biến khó lường, giá cước vận tải liên tục tăng cao cũng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Ngoài ra, vấn đề tín dụng cũng được cộng đồng thương nhân xuất khẩu gạo quan tâm.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Đinh Minh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Cỏ may (Đồng Tháp) cho biết, việc giá gạo trong nước và thế giới liên tục biến động trong thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Tâm, doanh nghiệp có liên kết với bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa tôm, lúa tôm sinh thái… Trước đây giá gạo trong nước đi ngang và ít biến động, việc mua bán giữa doanh nghiệp và người dân diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 đến nay giá gạo nội địa liên tục biến động khiến doanh nghiệp không tính toán được tương lai. “Hợp đồng đã được ký với khách hàng từ trước, song khi giá gạo liên tục tăng, doanh nghiệp sẽ phải mua gạo vào với mức giá cao. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể tăng giá, bởi nếu tăng giá sẽ mất khách hàng, mất thị trường. Giá lúa gạo biến động khiến các chuỗi liên kết bị đứt gãy hoàn toàn”, ông Tâm cho hay.
Cũng theo ông Tâm, việc đứt gãy chuỗi liên kết khiến doanh nghiệp e ngại khi đầu tư giống trong vụ mới. Bởi khi đầu tư giống xong đến thời điểm thu hoạch, giá tăng cao, người dân lại bán ra bên ngoài. Đây là những rủi ro mà các doanh nghiệp liên kết sẽ gặp phải trong thời gian tới.
Cũng như các ngành hàng khác, kinh doanh lúa gạo phải đi theo cung cầu thị trường. Do vậy, ông Tâm cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu. “Địa phương phải phối hợp cùng các tổ hợp tác cùng nhau động viên người dân chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp để người dân có lãi và doanh nghiệp có hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể mạnh dạn để đầu tư và phát triển bền vững vùng nguyên liệu”, ông Tâm cho hay.