Vì sao giá cà phê tiếp tục lao dốc?

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 giảm 139 USD/tấn, ở mức 3.541 USD/tấn, giao tháng 9/2024 giảm 147 USD/tấn, ở mức 3.470 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 5,5 cent/lb, ở mức 200,6 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 5,35 cent/lb, ở mức 199 cent/lb.

Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 610 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 23,4 cent. Giá cà phê nội địa quay đầu giảm sâu, mất trung bình 30.000 đồng/kg, xóa sạch đà tăng nhiều tuần qua.

Giá cà phê đạt mức thấp nhất trong 1 tháng qua. Nguồn cung cà phê toàn cầu tăng đang làm giảm giá sau khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) ngày 3/5 báo cáo rằng xuất khẩu cà phê tháng 3 toàn cầu tăng 8,1% so với cùng kỳ, lên 12,99 triệu bao. Như vậy, xuất khẩu cà phê toàn cầu tính từ tháng 10 đến tháng 3 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, nằm ở mức 69,16 triệu bao.

Tồn kho 2 sàn tăng cũng kéo giảm giá cà phê 2 sàn. Tồn kho cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong 1 năm, và tồn kho cà phê Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng vào cuối tuần này.

Bên cạnh đó, các vùng trồng cà phê trọng điểm có mưa tuần qua cũng giúp giảm bớt mối lo ngại về sản lượng vụ tới.

Giá cà phê bất ngờ giảm sốc, nguyên nhân vì sao?
Giá cà phê đã “rơi tự do” khi liên tục rớt các mốc 130.000 đồng/kg, 110.000 đồng/kg

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Bình nhận định, đây là đợt “rớt giá khủng khiếp” sau khi tăng nóng thời gian qua. Vụ mùa cà phê năm nay, cơ hội bán cà phê giá cao trên sàn đã qua.

Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thông tin thêm trên báo chí, có 4 nguyên nhân kéo giảm cà phê hiện tại, gồm: Khi kỳ hạn giao hàng tháng 5 hết, chuyển sang tháng 7 các bên ôm hàng thường đẩy ra mạnh khiến giá giảm; đồng tiền Brazil (BRL) đang giảm hơn so với USD đã kích thích các nhà xuất khẩu cà phê của nước cung cấp cà phê số 1 thế giới xuất khẩu bán ra; mưa đầu mùa tại những vùng trồng cà phê của Việt Nam và Brazil; Tồn kho trên sàn tăng.

Đối với thị trường nội địa, sau kỳ nghỉ lễ dài, giá cà phê đã “rơi tự do” khi liên tục rớt các mốc 130.000 đồng/kg, 110.000 đồng/kg. Cập nhật sáng 5/5, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận chỉ còn bình quân ở mức 102.800 đồng/kg, giảm đến hơn 31.000 đồng/kg so với giá đỉnh trong khoảng thời gian từ 26 đến 30/4.

Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tăng dựng đứng, từ mức gần 60.000 đồng/kg ghi nhận vào đầu tháng 12/2023 vọt lên 134.000 đồng/kg vào ngày 29/4/2024 – mức cao nhất mọi thời đại. Các nhà rang xay trên thế giới đều trông vào nguồn cung cà phê Robusta của Việt Nam.

Chỉ trong vòng 5 tháng, giá cà phê nhân ở nước ta đã tăng 123%, tương đương tăng 74.000 đồng/kg – mức tăng mạnh và cao nhất trong lịch sử. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, dịp cuối tháng 4 vừa qua giá cà phê Robusta lập kỷ lục lịch sử trong 45 năm qua. Trong cơ sốt giá này, không ít nông dân trồng cà phê trúng đậm tiền tỷ, có tiền tậu ô tô khi bán được cà phê với giá cao ngất ngưởng. Còn doanh nghiệp còng lưng gánh lỗ vì giá cà phê tăng quá nhanh, vượt qua mọi dự liệu trước đó. Thế nhưng, sau khi thăng hoa và đạt đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg vào ngày 29/4, giá cà phê bất ngờ giảm sốc. Chỉ trong vỏn vẹn 3 phiên giao dịch, giá cà phê nhân ở nước ta đã giảm 24.000 đồng/kg, về mốc 110.000 đồng/kg. Đây cũng là biên độ giảm mạnh nhất trong lịch sử giao dịch cà phê tại thị trường nội địa ở nước ta.

Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, đây chỉ là giá giảm mạnh, chứ không phải “rơi tự do”. Vì cà phê vào đà giảm giá đều có nguyên nhân rõ ràng. Việc này cũng nằm trong dự báo trước đó, cà phê sốt giá trên toàn cầu bởi những lo ngại về hiện tượng El Nino tác động đến nhiều vùng trồng cà phê lớn trên thế giới, sản lượng có thể sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Song, những ngày vừa qua, lo ngại này dần được tháo gỡ khi trời đổ mưa. Đơn cử, tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên xuất hiện những cơn “mưa vàng” nên sản lượng cà phê sẽ ổn định. Trước đó, do khô hạn, sản lượng cà phê của nước ta được dự báo giảm 20% so với niên vụ vừa qua.

Ngoài ra, nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới cũng được bổ sung. Từ tháng 5 này, Brazil – vùng sản xuất cà phê lớn nhất thế giới – vào vụ thu hoạch. Cùng với đó, trên các sàn giao dịch cà phê quốc tế, nhà đầu tư, giới đầu cơ mua vào suốt một thời gian dài, nay bán ra, đẩy nguồn cung tăng mạnh.

Tổng cục Thống kê Việt Nam mới đây cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 của Việt Nam tăng 3,9% so với cùng kỳ lên 170.000 tấn và xuất khẩu cà phê từ tháng 1 đến tháng 4 tăng 5,4% so với cùng kỳ lên 756.000 tấn. Tuy nhiên, về dài hạn, Marex Group Plc vẫn dự báo, thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu năm 2024/25 là giảm 2,7 triệu bao do sản lượng tại Việt Nam giảm, trong tình hình hạn hán nghiêm trọng vừa qua.



Source link