Gia tăng lô sầu riêng xuất khẩu bị cảnh báo: 4 nguyên nhân chính

187 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phạm vi phạm Nghị định thư

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…., Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt sầu riêng trái vụ.

Điểm tên 4 nguyên nhân chính khiến gia tăng lô sầu riêng xuất khẩu bị cảnh báo
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110.000 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018), trong đó xuất khẩu trên 600 nghìn tấn và thu về khoảng 2,2 tỷ USD. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150.000 ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn.

Với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỉ dân này chỉ sau chưa đầy 2 năm gia nhập.

Số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay, cả nước đã có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng). Thị trường nhập khẩu chủ yếu sầu riêng của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù Cục đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay biện pháp khắc phục vi phạm Nghị định thư, nhưng nhiều tỉnh vẫn vi phạm, thậm chí, nhiều tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn vi phạm nhiều lần. Theo đó, trong tổng số 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói phạm có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm 1 lần; 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần.

Điểm các nguyên nhân dẫn đến các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu, ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho hay, thứ nhất, các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là Nghị định thư sầu riêng đã ký với Trung Quốc. Tỷ lệ giám sát hiện còn thấp, thậm chí nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói không thực hiện giám sát theo quy định.

Thứ hai, việc xử các trường hợp vi phạm quy định của Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa kịp thời và triệt để.

Thứ ba, chất lượng giám sát chưa được cải thiện nhiều, giám sát còn lỏng lẻo, hình thức. Một số địa phương mặc dù có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cao nhưng vẫn vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Trung Quốc theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian qua.

Thứ tư, nhiều địa phương, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực (con người và tài chính) cho giám sát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng sau khi được phê duyệt.

“Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực tế có nhiều lô hàng sầu riêng nhận được cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong thời gian qua và có dấu hiệu gia tăng”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Điểm tên 4 nguyên nhân chính khiến gia tăng lô sầu riêng xuất khẩu bị cảnh báo
Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chưc Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ chính nguyên nhân chủ quan của các tác nhân tham gia trong công tác quản lý, sản xuất, thu mua của ngành hàng sầu riêng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ đưa toàn bộ ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hơn thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Giải quyết triệt để vấn đề, bảo vệ hình ảnh và uy tín nông sản Việt

Để giải quyết các vấn đề này, hướng tới sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Trồng trọt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định quy mô các vùng trồng tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng đã được phê duyệt; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm;…

Đồng thời, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu, có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương. Tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tiến hành xác minh nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng vi phạm. Tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương, tổ chức, cá nhân về các quy định của nước nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu nhiều lần. Chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra kiểm dịch đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu.

Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện nghiêm túc các quy trình canh tác, thu hái; quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng xuất khẩu đảm bảo các quy định theo yêu cầu thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần;…

Đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, thu hoạch đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư; cải tiến kỹ thuật sản xuất. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều đã được phê duyệt; đầu tư trang thiết bị, cải tiến quy trình đóng gói, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu.

Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu; tham gia tập huấn để nâng cao nhận thức và hiểu biết về yêu cầu của nước nhập khẩu. Yêu cầu các đơn vị cung cấp sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số và được kiểm soát chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, quý I/2024, Trung Quốc thông qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan đã nhập khẩu 48.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,85 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,56 triệu USD). Trong số đó, lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam có đà tăng mạnh, đạt 35.000 tấn, trị giá 1,28 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,77 triệu USD).



Source link