Bánh kẹo Việt xuất ngoại, chinh phục thị trường thế giới

Top các loại hạt ăn trong ngày Tết cổ truyền Bánh kẹo Nga “đổ bộ” vào Việt Nam

Theo giới kinh doanh, câu chuyện xuất khẩu luôn là một bài toán khó mà nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt nói chung, bánh kẹo nói riêng vẫn đang dè chừng bởi những tiêu chí nhập khẩu khắt khe về chất lượng của nhiều quốc gia.

Tuy vậy, vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe này, nhiều thương hiệu bánh kẹo Việt đã và đang xuất khẩu đến những thị trường khó tính. Đơn cử như thương hiệu Bibica của Công ty CP Bibica. Trong chia sẻ gần đây tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Công ty CP Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica (một thương hiệu thuộc PAN)- cho biết, xuất khẩu bánh kẹo là điểm sáng của doanh nghiệp này trong năm 2023 khi tăng 40%.

Theo đó, doanh nghiệp này đã xuất khẩu bánh kẹo kết hợp nông sản như điều, sầu riêng và dừa… đến những thị trường khó tính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí, doanh nghiệp này còn vừa vượt qua kiểm tra Walmart tại Trung Quốc và sắp có đơn hàng đầu tiên ở thị trường này.

Bánh kẹo Việt xuất ngoại, chinh phục thị trường thế giới
Sản xuất bánh kẹo tại một doanh nghiệp Việt.

Ngoài Bibiba, nhiều thương hiệu Việt khác như: Kinh Đô, Phạm Nguyên, Bảo Ngọc, chocolate Marou hay Alluvia Chocolatier (của Công ty TNHH Ca Cao Xuân Ron Chợ Gạo)… cũng đã và đang đưa sản phẩm chinh phục các thị trường ngoại thành công. Trong đó, chocolate Marou hiện cũng đang mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, nổi bật là Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Còn với Alluvia Chocolatier, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc Công ty TNHH Ca Cao Xuân Ron Chợ Gạo – nhà sản xuất chocolate thương hiệu này cho biết: Các sản phẩm của Alluvia Chocolatier hiện không chỉ bán trong nước mà thu hút rất nhiều du khách quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường “chuộng” các sản phẩm chocolate của doanh nghiệp với sản lượng xuất khẩu bình quân 2 container/năm.

Để làm được như vậy, theo bà Điệp, công ty đã kết hợp cacao với dừa của vùng đất Bến Tre, tiêu Phú Quốc, gừng Cao Bằng… và gần đây nhất là mật hoa dừa của Trà Vinh để tạo ra socola có hương vị riêng, khơi gợi sự tò mò của người tiêu dùng. Trong kế hoạch sắp tới, công ty dự định sẽ mở rộng sang châu Âu bởi đây là thị trường khá tiềm năng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đã ký kết và thực hiện nhiều FTA (Hiệp định thương mại tự do) với các đối tác lớn như ASEAN, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này giúp giảm thiểu rào cản thương mại, thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo Bộ Công Thương, FTA giúp giảm 85-90% thuế nhập khẩu cho các sản phẩm bánh kẹo Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam mở rộng thị trường và tăng cường cạnh tranh.

Vì vậy, trong định hướng sắp tới, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời cũng là để tận dụng lợi thế của các FTA này. Cụ thể như Bibica thông tin rằng sẽ phát triển các dòng sản phẩm ăn chơi, quà biếu, đóng gói sản phẩm ăn sáng, ăn phụ với hạn sử dụng ngắn có nhu cầu tốt khi xu thế tiêu dùng thay đổi. Đặc biệt là sản phẩm cho người tiểu đường, phát triển sản phẩm bánh dinh dưỡng kết hợp nông sản Việt Nam, đáp ứng nhiều yêu cầu về sức khỏe.



Source link