Nhiều dư địa cho hàng Việt Nam vào thị trường tiêu dùng Ấn Độ

Theo số liệu của Đại sứ quán Ấn Độ, năm 2022 – 2023 thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,98%. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 5,91 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam lên tới 8,79 tỷ USD.

THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG

Tại hội thảo “Kinh doanh tại Ấn Độ – Những nội dung quan trọng doanh nghiệp Việt Nam cần biết” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các chuyên gia nhận định, Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, cũng là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho hàng Việt.

Cụ thể, các chuyên gia đánh giá, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1.500 tỷ USD hiện nay lên mức 6.000 tỷ USD vào năm 2030, Ấn Độ đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn trên toàn cầu.

Ngoài ra, Ấn Độ hiện cũng là nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ lớn thứ ba trên toàn cầu, với hơn 38.000 công ty khởi nghiệp, hơn 5.500 nhà đầu tư và hơn 100 kỳ lân, trong đó gần một nửa được sinh ra vào năm 2021.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh sức mua trên thị trường toàn cầu giảm sút thì quy mô dân số 1,4 tỷ dân của Ấn Độ với dân số trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm hơn 60% là thị trường hấp dẫn mà các doanh nghiệp Việt có nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa.

Theo ông Chia Zhi Wei, Giám đốc Growth Impact Group (GIG), với kinh nghiệm 5 năm làm việc tại cơ quan xúc tiến thương mại và công nghiệp ở Singapore và 2 năm làm việc tại Nam Ấn, ông cho rằng sự phát triển của các mặt hàng tiêu dùng nhanh còn được hỗ trợ bởi sự kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng, đã thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua các cổng thương mại điện tử tại Ấn Độ. Đồng thời, hiện Ấn Độ sẵn sàng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới vào năm 2034.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), nhận định Ấn Độ là thị trường lớn mà nhiều doanh nghiệp Việt có thể chỉ cần có 1 – 2 hợp đồng với Ấn Độ thì có thể xuất được số lượng hàng rất lớn.

Dù vậy, để chinh phục thị trường Ấn Độ, bà Thu Hiền lưu ý doanh nghiệp cần chú trọng chuẩn mực giao tiếp khi kinh doanh, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc được ưa thích. Trong giao thương, “mặc cả” cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ấn Độ, cùng với thủ tục và nghi thức kinh doanh.

“Người Ấn Độ đánh giá cao tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và mối quan hệ. Do đó để thành công trong kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực lâu dài với các đối tác. Song song đó, mối quan hệ cá nhân, sự giới thiệu của bên thứ ba có thể đóng một vai trò quan trọng vì người Ấn Độ thích làm việc với những người mà họ biết và tin tưởng”,  bà Thu Hiền nhấn mạnh.

XUẤT KHẨU HOA HỒI SANG ẤN ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TỐT

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị với vị trí ứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.

Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 4/2024 đạt 1.480 tấn với kim ngạch đạt hơn 7 triệu USD, tăng mạnh 48,3% so với tháng trước. Cũng trong tháng 4, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam với 1.033 tấn, chiếm 69,8% tỷ trọng và tăng đến 60% so với tháng trước.

Tinh chung 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 3.915 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch đạt 20,3 triệu USD; trong đó, Ấn Độ và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu chính với lần lượt 2.409 tấn và 295 tấn.

Hiện nay sản phẩm quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu – EU. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm lần lượt khoảng 50% và 25% tỷ trọng.

Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 – 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN – Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.

Một trong những tín hiêu tích cực là hiện này ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trong năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn. Giá xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn. Trong cả năm 2023, Ấn Độ và Trung Quốc giữ vai trò là 2 thị trường lớn nhất với 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị trường xuất khẩu.


Source link