Khơi thông dòng chảy thương mại, thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới

Giữ vị trí quan trọng trong việc định hướng, phát triển hai lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế là thương mại và công nghiệp, ngành Công Thương trong 73 năm hình thành và phát triển ghi dấu ấn đậm nét trong dòng chảy của phát triển kinh tế – xã hội. Với lĩnh vực thương mại, ngành Công Thương không chỉ đảm nguồn cung hàng hóa cho đời sống xã hội mà còn thực hiện kết nối, khơi thông thị trường xuất nhập khẩu, ghi danh Việt Nam trên bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế.

Những dấu mốc của xuất nhập khẩu

Xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa là một hoạt động kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và cân bằng thương mại. Trong đó, năm 1995 ghi đậm dấu ấn với hàng loạt sự kiện đáng nhớ của Việt Nam, đặt bản lề đối với tiến trình mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Đó là sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), gửi đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đặc biệt là bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (tháng 7/2023) Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (tháng 7/2023) Ảnh: VGP

Trong hành trình gần 30 năm trên đại lộ hội nhập này, hoạt động XNK của Việt Nam đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ, liên tiếp chinh phục và phá vỡ các mốc kỷ lục.

Theo đó, tổng trị giá XNK lần đầu tiên đạt dấu mốc 100 tỷ USD vào năm 2007 (số liệu Tổng cục Hải quan) và chỉ sau 4 năm, vào năm 2011 đã tăng gấp đôi và đạt con số 200 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), XNK Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD và vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá XNK đã đạt mức 400 tỷ USD. Trị giá XNK tiếp tục cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019 và đạt 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2012, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Năm 2022, xuất siêu đạt 12,4 tỷ USD.

Bước sang năm 2023, tổng kim ngạch XNK ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm mà hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu.

Hàng hóa của Việt Nam từ chỗ “tự sản, tự tiêu” có lúc còn thiếu trước hụt sau, thì sau hàng chục năm đã không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã hiện diện ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2023, chúng ta đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%….

Nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Các FTA giúp hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Hiện Việt Nam cũng đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Ông Phạm Trung Nghĩa – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế – đánh giá, sau 29 năm hội nhập (từ 1995 đến nay), tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng XNK, đời sống của người dân được cải thiện là những kết quả không thể phủ nhận do công tác khơi thông thị trường, đẩy mạnh đàm phán ký kết các FTA, FTAs và công tác cải cách thể chế.

“Nếu như năm 1995, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chỉ khoảng 5 tỷ USD, thì đến nay đã tăng 85 lần. Nếu so sánh từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007), thì hiện xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 8 – 9 lần”, ông Phạm Trung Nghĩa dẫn chứng.

Việc tham gia các FTA đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thúc đẩy kim ngạch XNK tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư.

Đồng thời, giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đơn cử như với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với các năm trước (trong đó gạo tăng hơn 2503%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng gần 3649%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng hơn 134%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng xấp xỉ 67%… ).

Năm 2024 là năm thứ tư – có thể coi là năm quyết định sự thành công kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, chặng đường trước mắt còn rất nhiều thách thức, bao gồm cả các yếu tố khách quan và chủ quan.

Cụ thể, kinh tế thế giới, trong đó bao gồm các đối tác nhập khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối mặt với triển vọng bấp bênh, khả năng hồi phục chưa chắc chắn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Những khó khăn này có thể dẫn tới số lượng doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản xuất, giải thể, phá sản tăng cao.

Năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu 15 tỷ USD). Để đạt được mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực XNK, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu.

XNK là một trong ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội; điều hành sâu sát, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; cùng với việc dự báo đúng từ sớm từ xa, ứng phó hiệu quả với những khó khăn chưa từng có tiền lệ để vượt những “cơn gió ngược”, ngành Công Thương đã, đang và sẽ góp sức tích cực, đưa con tàu kinh tế Việt Nam nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng từng bước vượt qua “hải trình” gian nan để cập bến.

4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.



Source link