Yếu tố nào để ngành cao su gia tăng thị phần xuất khẩu? Ngành cao su Đông Nam Á ứng phó với các quy định mới của EU |
EU là khách hàng quan trọng đối với các sản phẩm cao su của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt hơn 9,4 tỷ USD bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su. Trong đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất, với 4,4 tỷ USD, tiếp đó là cao su thiên nhiên (gần 2,9 tỷ USD) và gỗ cao su (2,2 tỷ USD).
EU – một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của cao su Việt Nam |
Với cao su thiên nhiên, hiện Việt Nam xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 79,6%; thứ hai Ấn độ 5,3%, thứ ba là EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 66.472 tấn, chiếm 3,1% thị phần, giá trị đạt gần 94,3 triệu USD.
Với sản phẩm cao su, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Lốp xe vẫn là mặt hàng sản phẩm cao su được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất, với giá trị ước đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và chủ yếu được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm cao su sang thị trường EU ước đạt gần 375,3 triệu USD, chiếm 8,6% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, nhiều nhất vẫn là sản phẩm lốp xe.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhìn chung, tuy không phải thị trường xuất khẩu dẫn đầu của toàn ngành cao su Việt Nam, EU vẫn là khách hàng quan trọng đối với các nhóm ngành cao su tự nhiên và sản phẩm cao su. Tuy là thị trường khó tính, nhưng đây là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt khi có Hiệp định EVFTA.
Thách thức gì đối với ngành cao su trước quy định EUDR?
Câu hỏi đặt ra là tác động của Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) đối với ngành cao su Việt Nam ra sao khi Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023. Về việc nay, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends – đánh giá, về thuận lợi, với sự vào cuộc kịp thời và quyết tâm của Bộ ngành đối với quy định mới này của EC.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó đề xuất các nhiệm vụ/giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cùng đồng hành bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR. Trong đó, tập trung giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; tăng cường tuần tra, giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo: Kể từ ngày 01/11/2017 phải chấm dứt việc khai thác rừng tự nhiên theo lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy Việt Nam có lợi thế đáp ứng nội dung “Không chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp”. Ngành cao su Việt Nam đang tích cực thực hiện các giải pháp phát triển bền vững thông qua các chứng chỉ rừng bền vững quốc gia (VFCO) và quốc tế (PEFC, FSC). Các bên trong chuỗi cung, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, đã tập trung đầu tư tài chính và nhân lực cho các hệ thống này trong một thời gian dài để có những mô hình sản xuất cao su bền vững.
Tuy nhiên, ngành cao su cũng đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ từ Quy định này. Theo đó, EU định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác.
Rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu,…) vốn đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam, có thể bị liệt vào khái niệm làm “suy thoái rừng”, có thể sẽ ảnh hưởng tới quyết định của EU trong việc phân loại mức độ rủi ro của Việt Nam.
Bên cạnh tiêu chí về không phá rừng, EUDR cũng bao gồm các tiêu chí khác, trong đó có tính hợp pháp về quyền sử dụng đất, đảm bảo đất có ranh giới rõ ràng và thông báo cho khách hàng về vị trí địa lý của lô đất và thời gian thu hoạch/sản xuất” là những hạn chế của ngành cao su với hơn 260.000 hộ tiểu điền cùng mạng lưới thu mua phức tạp hiện nay.
Nguồn cung cao su tự nhiên đầu vào của Việt Nam tương đối đa dạng. Bên cạnh hàng trăm Công ty và hàng trăm ngàn hộ tiểu điền trồng cao su tại Việt Nam, nguồn cung còn bao gồm nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ Campuchia và Lào. Ở công đoạn chế biến, các nguồn cung này có thể được phối trộn với nhau để sản xuất các chủng loại phù hợp phục vụ xuất khẩu hoặc chế biến sâu trong nước.
Cao su tiểu điền phần lớn có quy mô nhỏ, khó có thể trực tiếp thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường. Một số mô hình liên kết qua nhiều khâu trung gian phức tạp, lỏng lẻo với các giao dịch không có hợp đồng nên tính pháp lý không cao.
Áp lực về chi phí đầu tư công nghệ để sản xuất đạt chuẩn vào châu Âu đã cao, giờ phải đầu tư thêm chi phí để việc đáp ứng các quy định này sẽ tạo nên gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp. EUDR nêu rõ sẽ phân loại quốc gia hoặc vùng sản xuất cung cấp sản phẩm cho EU theo các nhóm “rủi ro cao”, “rủi ro trung bình” hay “rủi ro thấp” dựa trên các tiêu chí và bằng chứng mà EU thu thập được.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành cao su Việt Nam có chuỗi cung phức tạp do chưa có sự quản lý nhà nước chặt chẽ đối với các bên liên quan, đặc biệt là hộ tiểu điền. Hiện nay, hơn 60% nguồn cung cao su thiên nhiên đến từ hơn 260 ngàn hộ tiểu điền khắp cả nước. Vì vậy, bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, các hộ tiểu điền là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi các quy định về không gây mất rừng và bền vững của châu Âu được áp dụng do quá trình thẩm định yêu cầu nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan và tốn kém.
Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị các Bộ, ngành cần tăng cường kiến nghị với EU về việc lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cao su, để có kế hoạch thích ứng kịp thời. Tăng cường hợp tác khu vực (các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên) nhằm đối thoại với Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất các định nghĩa chung và minh bạch về bền vững nhằm nâng cao sự thấu hiểu về các quy trình đang được các nước và doanh nghiệp sản xuất áp dụng. Thúc đẩy các tổ chức bền vững (PEFC, FSC) vận động và đối thoại vối Ủy ban châu Âu về việc chấp nhận các chứng chỉ bền vững hiện có trong quy định EUDR.
Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Tích hợp số liệu về cao su vào hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, hỗ trợ các bên trong vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng các phương pháp truy xuất nguồn gốc. Chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương tích cực hỗ trợ và phối hợp thực hiện với Hiệp hội, doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến EUDR.
Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đánh giá rủi ro, cơ chế chia sẻ và phản hồi thông tin thông qua ứng dụng công nghệ tích hợp.
Duy trì xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững nhằm tạo cơ sở bước đầu giúp đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chủ động hợp tác với các doanh nghiệp nhập khẩu của EU để nắm bắt thông tin cập nhật về các quy định trong EUDR, đối thoại với nhà nhập khẩu về lộ trình từng bước thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của doanh nghiệp, qua đó đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR.