Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trước đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn, cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở, nền kinh tế tăng rất nhanh và ở mức rất cao. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP tăng từ 81% năm 1990 lên 111% năm 2000 và lên 158% năm 2023.
Ngoài nhiều lợi ích về chính trị, ngoại giao, việc gia tăng các hiệp định thương mại tự do sẽ càng gia tăng độ mở của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng có nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp, chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài.
Xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thông dụng, lao động vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.
Nêu thực tế này, đại biểu đặt vấn đề quan điểm của Bộ trưởng từ góc độ thương mại, cũng như Chiến lược phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới sẽ ra sao? Làm thế nào để tăng tính chống chịu của nền kinh tế và phát huy thị trường nội địa trên 100 triệu dân?
ĐÀM PHÁN KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO, THU HÚT FDI LÀ BƯỚC ĐI CẦN THIẾT
Nhấn mạnh hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ năm 1986 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay gần 40 năm qua nhờ thực hiện chủ trương này, cùng với nỗ lực của mình, Việt Nam đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Theo Bộ trưởng, việc đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do, thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất xuất khẩu… là bước đi cần thiết. Nếu không, Việt Nam không thể có vốn đầu tư lớn, không có công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản trị và đặc biệt là thị trường để tiêu thụ.
Tuy nhiên, đồng tình với đại biểu nếu kéo dài chủ trương này sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công và rơi vào bẫy thu nhập trung bình, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng trong thời gian tới một mặt cần phải nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế đất nước, nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, phải tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và ký kết mới cũng như là nâng cấp các hiệp định thương mại tự do đã có ở những thị trường tiềm năng.
Về định hướng tham gia FTA mới, Bộ trưởng cho rằng có bốn định hướng cơ bản.
Thứ nhất, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng là hội nhập kinh tế ngày càng sâu nhưng phải giữ vững định hướng chính trị.
Thứ hai, gắn kết giữa đầu tư, đàm phán, ký kết hiệp định với đẩy mạnh cải cách trong nước, hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm.
Thứ ba, ưu tiên đối tác tiềm năng mang lại lợi ích to lớn, thiết thực để đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do hiện hành khi có điều kiện.
Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đàm phán và ký kết các hiệp định, đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của FTA với nền kinh tế và với doanh nghiệp của Việt Nam.
Còn về tiêu chí để lựa chọn đàm phán các hiệp định mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, trước hết phải dựa vào quy mô, tiềm năng của thị trường và ưu tiên các đối tác có tiềm năng tăng trưởng cao cũng nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế.
Cùng với đó, mức độ cam kết mở cửa thị trường thì phải lưu ý các đối tác cam kết có độ mở lớn như là giảm thuế quan, giảm các cái hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh khả năng hợp tác và hỗ trợ phát triển trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu và đầu tư vốn… Đồng thời phải dựa vào tầm quan trọng chiến lược của đối tác trong khu vực và thế giới để góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG LỰC, TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG
Nghiên cứ báo cáo của Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre, cho rằng tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang rất khả quan và xu hướng 2024, 2025 cũng sẽ rất tốt, nhất là, thị trường FTA rất rộng. Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như tỷ giá đồng USD với đồng Euro đang có xu hướng hơi bất lợi; chi phí vận tải biển rất cao…
Nêu những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có nông sản, đại biểu đoàn Bến Tre chất vấn Bộ trưởng cùng với Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chế độ, chính sách về tín dụng.
Đồng tình với đại biểu về tác động bất lợi của tỷ giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng một số ngoại tệ mạnh tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là việc nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản liên tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ tăng, giữ lãi suất ở mức cao từ năm 2023 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Mặt khác, chi phí logistics tăng cao do xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị cũng gây bất lợi cho xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá kết hợp với chính sách tài khóa phù hợp, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong năm qua và đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm rất ngoạn mục.
Trên thực tế, tỷ giá USD ở mức cao, tuy ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu nhưng lại có lợi cho những doanh nghiệp mà Việt Nam xuất khẩu là chủ đạo. Tất nhiên, chúng ta hướng tới xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh bền vững chứ không chỉ trông đợi tranh thủ tỷ giá thuận lợi.
Đưa ra những giải pháp căn bản cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực nội tại, nhiều hàng hóa chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Cùng với đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tiếp cận thị trường thông qua việc đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán, ký kết và khai mở những thị trường mới và tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, thị trường nước ngoài, cập nhật thông tin để có những phản ánh, phản ứng chính sách phù hợp và có lợi cho Việt Nam. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và tạo điều kiện cho vay thông thoáng hơn…
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống.
Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử. Điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện Việt Nam có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan…
Liên quan đến thu hút đầu tư, tham gia các FTA, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định FTA nhưng cũng cần nhìn nhận lợi ích mang lại cho các doanh nghiệp chưa lớn.
Vì vậy, thời gian tới cần triển khai nhanh chóng để đáp ứng các quyết định từ các hiệp định thương mại này; hơn nữa thông tin về thị trường cũng như môi trường pháp lý của các nước tham gia FTA; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đầy đủ… Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết; đồng thời cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước….
Đối với thu hút FDI, cũng cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghệ mới nổi, cam kết nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào công nghiệp phụ trợ trong hệ sinh thái các lĩnh vực đầu tư…
Source link