Theo báo cáo “ASEAN Perspectives” của HSBC vừa công bố, trong thời khắc các nền kinh tế tìm kiếm sự đa dạng, ASEAN và Trung Đông (MENA) đều có vị thế thuận lợi. Cả hai khu vực đều thuộc nhóm phát triển nhanh và có những sự tương đồng trong phát triển kinh tế.
TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU LỚN
Nền tảng của hành lang ASEAN – MENA nằm ở thương mại với tổng giá trị lên đến hơn 126 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của HSBC, mặc dù xuất khẩu từ ASEAN sang MENA đang tăng trưởng ở mức hai con số kể từ 2024, song giá trị xuất khẩu tuyệt đối lại chỉ bằng một phần ba của nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ASEAN đã liên tục chứng kiến mức độ thâm hụt thương mại lớn với MENA, mức cao nhất là hơn 5 tỷ USD/tháng, mới chỉ thu hẹp nhẹ ngay sau đợt bùng dịch đầu tiên khi giá dầu sụt giảm.
Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, ngoại trừ một số sản phẩm đặc biệt, lượng xuất khẩu của ASEAN sang Trung Đông nhìn chung còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân là do rào cản tự do hóa thương mại, bởi thuế suất bình quân của hai khu vực này đều ở mức cao.
“Mặc dù cán cân thương mại không đồng đều, song những nỗ lực gần đây của cả hai khu vực nhằm thúc đẩy tự do thương mại mở ra nhiều cơ hội mới để chạm đến tiềm năng thương mại chưa khai phá. Điểm tích cực từ quan hệ song phương của hai nên kinh tế này là sự đa dạng của các sản phẩm xuất khẩu đang ngày càng gia tăng”, bà Yun Liu nhận định.
Đơn cử, Thái Lan xuất gần 20% ô tô sang Trung Đông khiến khu vực này trở thành điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Thái Lan. Tương tự, 17% dầu cọ của Malaysia được xuất sang Trung Đông – đây là một thị trường tương đối lớn đối với Malaysia.
Tại Việt Nam, xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman.
“Điều may mắn là các nhà làm chính sách đã nhận diện được những rào cản này và gần đây có những nỗ lực thúc đẩy nhằm khuyến khích các cơ hội thương mại tiềm năng”, chuyên gia Yun Liu cho biết.
Hiện, Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất đã ký hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên GCC, có hiệu lực từ 2013. Cùng với đó, các nước ASEAN khác như Malaysia và Indonesia cũng đã khởi động đàm phán hoặc ký hiệp định thương mại tự do với các quốc gia riêng lẻ trong khối.
Ở phương diện ngược lại, báo cáo của HSBC cho biết ASEAN có lượng nhập khẩu cao hơn từ MENA. Tính bình quân, 6% hàng nhập khẩu của ASEAN đến từ Trung Đông; trong đó, Thái Lan nhập nhiều nhất với thị phần 10%.
Nhập khẩu của ASEAN từ MENA tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (nhiên liệu), với thị phần lên đến gần 80%, chủ yếu đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Cũng theo HSBC, mặc dù dòng chảy thương mại hiện tại còn hạn chế, tiềm năng chưa khai phá vẫn còn rất lớn, ước tính có thể lên đến 47 tỷ USD. Dựa trên dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), xuất khẩu tiềm năng chưa khai phá của ASEAN có thể lên đến gần 30 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu thực tế.
Cụ thể, tiềm năng chưa khai phá trong lĩnh vực thiết bị điện tử (7,1 tỷ USD) và máy móc điện (7,1 tỷ USD) đang dẫn đầu trong bối cảnh ASEAN hội nhập sâu hơn trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
Mặt khác, tiềm năng xuất khẩu chưa khai phá của MENA sang ASEAN có thể lên đến 18 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhựa (4,4 tỷ USD), hóa chất (3,2 tỷ USD) và kim loại (2,3 tỷ USD) là những ngành mang nhiều hứa hẹn.
ĐA DẠNG HÓA HỢP TÁC SONG PHƯƠNG
Bên cạnh thương mại, theo báo cáo của HSBC, các nhà đầu tư MENA cũng đang dần để mắt tới ASEAN. Về đầu tư, hình thức gián tiếp là chủ đạo với dòng đầu tư mạnh mẽ chảy vào Malaysia, Indonesia và Singapore. Mặc dù quy mô còn hạn chế, dòng FDI từ MENA có xu hướng đa dạng, quan tâm nhiều đến lĩnh vực bất động sản, tài chính và khai thác mỏ của ASEAN.
Cùng với đó, hiện nay nhiều nước ASEAN đã nỗ lực đa dạng thị trường nguồn nhằm tăng tốc phục hồi toàn diện cho lĩnh vực du lịch. Trong đó, Thái Lan nổi bật hơn cả, thu hút hơn nửa trong số 1,1 triệu du khách MENA đến ASEAN trong năm 2023. Du khách MENA không chỉ có xu hướng ở lại lâu gấp đôi mức bình quân của du khách, họ còn chi tiêu nhiều hơn 30%, gần đạt 8.000 THB (200 USD)/ngày.
“Một phần ba mối quan tâm của MENA đổ vào lĩnh vực bất động sản, theo sau là tài chính và khai thác mỏ. Trong những năm gần đây, sự quan tâm ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư MENA đối với các lĩnh vực bao gồm du lịch, năng lượng tái tạo và thực phẩm của ASEAN đã bắt đầu thu hút sự chú ý” –
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC.
Không như Thái Lan tập trung vào ngành du lịch, Philippines có một lộ trình khác với MENA thông qua kiều hối từ xuất khẩu lao động. Tổng kiều hối chiếm gần 10% GDP. Trong đó, chỉ riêng Trung Đông đã chiếm một phần tương đối lớn là 17% trong năm 2023.
Mặt khác, đối với Việt Nam, hiện đang là nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản sang UAE trong các nước ASEAN. Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE tăng 18%, hạt điều tăng 60%, chè tăng 15.4%, gạo tăng 30.9%,…. Hầu hết các sản phẩm của Việt Nam khi đưa sang UAE chưa phải chịu thuế, do đó dù không có lợi thế và khoảng cách địa lý vẫn có thể cạnh tranh trong thị trường này.
Ngoài ra, cũng giống như nông sản, thủy sản là một trong những mặt hàng nhập khẩu mạnh của UAE để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý 1/2024, thị trường UAE nhập khẩu gần 7 triệu USD cá tra phile đông lạnh của Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, 3 tháng đầu năm 2024, UAE cũng nhập khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) và cá tra giá trị gia tăng với giá trị lần lượt là 517 nghìn USD, tăng gấp 15 lần và 152 nghìn USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.
Source link