“Cỗ máy” xuất khẩu Trung Quốc đang chuyển hướng

Theo dữ liệu thương mại công bố tuần trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 1,8%.

RÀO CẢN Ở PHƯƠNG TÂY

Cuộc khủng hoảng bất động sản cùng sụt giảm tăng trưởng kinh tế đang kéo tụt nhu cầu nội địa, buộc Bắc Kinh phải đẩy mạnh “cỗ máy” xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, điều này vấp phải rào cản thuế quan từ phương Tây. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định tăng thuế với hơn 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, trong đó riêng thuế quan với xe điện tăng gấp 4 lần lên 100%, gấp đôi thuế quan với chất bán dẫn và tấm pin năng lượng mặt trời lên 50%.

Ngày 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ tạm thời áp thêm thuế quan dao động từ 17-38% lên ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 7. Thuế quan mới này bổ sung cho thuế quan 10% mà châu Âu hiện áp dụng đối với ô tô điện Trung Quốc.

Hàng Trung Quốc ngày càng đối mặt nhiều hàng rào thuế quan ở phương Tây - Ảnh: Getty Images
Hàng Trung Quốc ngày càng đối mặt nhiều hàng rào thuế quan ở phương Tây – Ảnh: Getty Images

Trong thông báo, EC cho biết cơ quan này phát hiện những trợ cấp thiếu công bằng trong toàn bộ chuỗi giá trị xe điện Trung Quốc và làn sóng xe điện được trợ cấp từ Trung Quốc với mức giá thấp đe dọa gây tổn thương cho ngành công nghiệp ở Liên minh châu Âu (EU).

Theo tờ báo Wall Street Journal, một phần sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc có thể xuất phát từ việc nhiều nhà sản xuất nước này cố gắng “đi trước” các rào cản thương mại.

Ví dụ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tháng 5 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, ngược lại với xu hướng vài năm qua. Nhưng tính chung, Trung Quốc đang xuất khẩu ít hơn sang phương Tây và nhiều hơn sang Đông Nam Á, Mỹ Latinh. Điều này cho thấy “cỗ máy” xuất khẩu Trung Quốc đang có sự dịch chuyển.

CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI QUAN TRỌNG HƠN PHƯƠNG TÂY

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á tăng 12% so với cùng kỳ 2 năm trước. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu sang Mỹ giảm 17%, riêng năm 2023 giảm 14%.

Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân là các doanh nghiệp Trung Quốc “định tuyến lại” hoạt động xuất khẩu, chuyển qua các quốc gia ở Đông Nam Á và Mỹ Latin trước khi xuất sang phương Tây. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các thị trường mới.

Xuất khẩu của nước này sang Nga đã tăng 70% trong hơn 2 năm qua do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow khiến Nga bị hạn chế giao thương với các quốc gia khác. Trung Quốc xuất khẩu mạnh ô tô xăng sang Nga khi mà lĩnh vực sản xuất ô tô ở đất nước tỷ dân đang dư thừa công suất giữa làn sóng chuyển sang xe điện trong nước.

Đáng chú ý, Trung Quốc đang xuất khẩu nhiều loại mặt hàng hơn bao giờ hết. Các phân khúc mới gồm ô tô điện, pin, tấm năng lượng mặt trời, con chip chiếm 8,5% tổng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2023, tăng so với mức 4,5% của 5 năm trước.

Các mặt hàng này vấp phải làn sóng phản ứng mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ khi những nơi này cũng đang cố gắng phát triển công nghệ cần thiết cho quá trình dịch chuyển xanh và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, hàng Trung Quốc giá rẻ được chào đón ở nhiều quốc gia thu nhập thấp.

Doanh số xe điện và xe lai điện Trung Quốc ở Brazil đã tăng gần gấp đôi trong năm 2023 – theo hiệp hội môi giới Fenabrave. Ở quốc gia Mỹ Latin này, hãng xe BYD của Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% thị phần xe thuần điện, còn ô tô lai điện Trung Quốc cũng nằm trong nhóm bán chạy nhất.

So với Mỹ và EU, Đông Nam Á giờ đây là một điểm đến quan trọng hơn đối với hàng Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, Đông Nam Á và Mỹ Latinh chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Con số này dù vẫn nhỏ hơn mức 29% của Mỹ và EU cộng lại, nhưng đây là hai thị trường có quy mô lớn với tiềm tăng tăng trưởng xuất khẩu lớn đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù nhìn chung thân thiện hơn với Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển không miễn nhiễm trước các áp lực chính trị trong nước và vẫn có thể thiết lập rào cản thương mại với hàng hóa từ đất nước tỷ dân.

Trên thực tế, một số quốc gia Mỹ Latinh đã tăng thuế quan với thép Trung Quốc để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Brazil gần đây tái áp đặt thuế quan với xe điện Trung Quốc để thúc đẩy sản lượng nội địa, với mức thuế quan bắt đầu là 18% và tăng lên 35% vào năm 2026. 


Source link