Trong quý 1/2024, lần đầu tiên sau 6 quý, kim ngạch xuất khẩu của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang Mỹ đã vượt qua kim ngạch sang Trung Quốc.
Cụ thể, theo dữ liệu do tờ báo Nikkei Asia thu thập, tổng kim ngạch xuất khẩu của 10 nước ASEAN vào Mỹ quý đầu năm đạt 67,2 tỷ USD, cao hơn so với 57 tỷ USD sang Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng điều này phản ánh xu hướng tăng mua các linh kiện điện tử và con chip của Mỹ từ khối ASEAN, đồng thời cho thấy sự sụt tốc tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
ASEAN gồm các nước thành viên Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khối này, riêng xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ tăng 8% so với quý 1 năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3,3%.
“Xu hướng hiện tại bắt nguồn từ cả các yếu tố mang tính cấu trúc lẫn chu kỳ ở Trung Quốc”, nhà kinh tế Intan Nadia Jalil tại CIMB Group nói với Nikkei Asia. “Dù Trung Quốc vẫn là một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị hàng điện tử, chi phí gia tăng cũng như các yếu tố về thể chế và chính trị – mà quan trọng nhất là căng thẳng thương mại với Mỹ – ngày càng thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Malaysia là một trong những nơi được hưởng lợi từ xu hướng này”.
Theo bà Jalil, các yếu tố mang tính cấu trúc đã thúc đẩy xu hướng kinh tế mang tính chu kỳ, bao gồm xu hướng dịch chuyển từ sử dụng hàng nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước ở Trung Quốc, đặc biệt là với các linh kiện công nghệ cao như con chip.
Còn bà Arinah Najwa, giám đốc công ty tư vấn BowerGroupAsia, cho rằng các doanh nghiệp Mỹ đang muốn giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Malaysia là một điểm đến thay thế hấp dẫn nhờ hệ sinh thái sản xuất phát triển, vị trí địa lý chiến lược và lực lượng lao động có trình độ”, bà Najwa nhận định và dự báo xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Với Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023, Trung Quốc chiếm 17%. Trong quý đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, lên 25,7 tỷ USD – mức tăng lớn nhất trong số các nước thành viên ASEAN và vượt xa Thái Lan (12,6 tỷ USD) và Singapore (12 tỷ USD).
Với Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu quý 1 sang Trung Quốc giảm 5,1% so với quý 1 năm ngoái, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nhu cao su tự nhiên, sản phẩm bột sắn và hoa quả sụt giảm. Ngược lại, xuất khẩu của nước này sang Mỹ tăng 9,8%, chủ yếu nhờ sản phẩm nông nghiệp.
Một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ giảm phát. Lạm phát tại nước này đã giảm 4 tháng liên tiếp vào tháng 3 cho thấy nhu cầu nội địa có thể vẫn yếu.
Một yếu tố quan trọng nữa ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu quý đầu năm của Thái Lan là hoạt động xuất khẩu ô tô. Ông Surapong Paisitpattanapong, người đứng đầu Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, cho biết sản lượng ô tô để xuất khẩu của Thái Lan đã giảm xuống còn 273.680 chiếc trong quý 1, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Còn ông Poonpong Naiyanapakorn, người đứng đầu Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan (TPSO,) cho rằng xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc giảm chủ yếu do nhu cầu yếu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Dù nền kinh tế Trung Quốc năm nay đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Nhu cầu nội địa tại nước này vẫn chưa thực sự mạnh”, ông Naiyanapakorn nhận xét.
Source link