Xuất khẩu sầu riêng đã thu về hơn tỷ USD chỉ trong nửa năm 2024
Sầu riêng Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng mạnh so với năm ngoái.
Sầu riêng Việt thêm đối thủ tại thị trường Trung Quốc |
Ngày 22/6, các vựa đóng hàng xuất khẩu thông báo giá sầu riêng Monthong (Dona) loại 1 dao động khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg, loại 2 giá 70.000 – 80.000 đồng/kg; sầu riêng Ri 6 loại 1 giá 55.000 – 60.000 đồng/kg, loại 2 giá 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân Trung Quốc ưa chuộng. Tháng 4 vừa qua, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc. Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc “ăn hàng” nên nông dân bán được sầu riêng với giá cao.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả thu về khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó sầu riêng chiếm 30 – 35% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Điều này đồng nghĩa, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong nửa đầu năm nay đã đạt hơn 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, lượng đơn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của công ty rất ổn định. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 150 container sầu riêng, tương đương với 2.400 tấn hàng.
Thêm đối thủ cạnh tranh nhưng không quá lo ngại
Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt Nam chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi mà quốc gia này nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Thái Lan giảm còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tương đương giảm 26,7 điểm phần trăm.
Song, ngoài Thái Lan và Philippines, sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường hơn tỷ dân này. Bởi, từ ngày 19/6, sầu riêng tươi của Malaysia được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau khi hai nước ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng. Trước đó, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc.
Thị trường xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Trung Quốc đã được mở rộng. Ông Datuk Seri Mohamad Sabu – Bộ trưởng Nông nghiệp và an ninh thực phẩm Malaysia kỳ vọng, Nghị định thư này sẽ thúc đẩy ngành sầu riêng trong nước và tăng giá trị xuất khẩu nông sản. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng Nghị định thư trên tạo ra nhiều cơ hội hơn cho hơn 63.000 người trồng sầu riêng trên toàn quốc.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đã tăng 256,3%. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia ghi nhận giá trị 1,14 tỷ ringgit (250 triệu USD). Trung Quốc là thị trường chính của sầu riêng Malaysia, với giá trị xuất khẩu đạt 887 triệu ringgit (188 triệu USD) vào năm 2022. Ông Mohamad Sabu kỳ vọng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Trung Quốc sẽ tăng lên mức 1,8 tỷ ringgit (380 triệu USD) vào năm 2030.
Đa số các trang trại sầu riêng ở Malaysia đều trồng các giống đặc sản tương tự như Musang King. Vì vậy, sầu riêng của Malaysia sẽ nổi trội trên phân khúc cao cấp của thị trường quốc tế. Bộ trưởng Mohamad Sabu nhận định, Malaysia có khả năng giành được thị phần đáng kể ở Trung Quốc nhờ sầu riêng Musang King. “Nếu bắt đầu trồng sầu riêng ngay bây giờ, chúng ta có thể thu thành quả sau 5 hoặc 6 năm”, ông nói và nhấn mạnh nông dân có thể trồng bất cứ giống sầu riêng nào nhưng phải bảo đảm chất lượng xuất khẩu.
Sự góp mặt của sầu riêng tươi đến từ Malaysia sẽ làm tăng sức nóng cạnh tranh trên thị trường của Trung Quốc. Bởi trước đây, chỉ có 3 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Sản lượng sầu riêng của Malaysia thấp hơn Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Malaysia có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao. Nước này là quê hương của giống sầu riêng Musang King, được xem là “vua của các loại sầu riêng” nhờ mùi thơm nồng nàn và cơm màu vàng óng.
Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường sầu riêng ở quốc gia này tăng mạnh theo mỗi năm và có thể “bao thầu” tất cả sản lượng sầu riêng tại các quốc gia ở Đông Nam Á.
Thế nhưng, trong 4 quốc gia được xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch vào Trung Quốc, Việt Nam vẫn là nước có nhiều lợi thế. Nguyên nhân là do mùa thu hoạch sầu của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm, còn Việt Nam được thu rải vụ nên mùa nào cũng có hàng xuất khẩu.
Riêng về Malaysia, theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng của quốc gia này khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhắm vào phân khúc cao cấp, trong khi sầu Việt thường ở phân khúc bình dân. Do đó, chúng ta không quá áp lực về cạnh tranh với hàng Malaysia.
Ngoài sầu tươi, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin thêm, Trung Quốc còn chi hơn 1 tỷ USD để nhập sầu riêng đông lạnh. Đây cũng là phân khúc tiềm năng đối với sầu riêng Việt Nam.
Hiện, các vấn đề đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đã hoàn tất. Tới đây, nếu Nghị định thư được ký kết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ thu về 3,5 tỷ USD.