Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2024 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Liên bang Nga và Việt Nam đạt 1,56 tỷ USD.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nga đạt 761 triệu USD (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2023) và Việt Nam nhập khẩu từ Nga đạt 806 triệu USD (tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023).
THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG KHÔNG NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Nhóm hàng xuất khẩu trên 100 triệu USD là cà phê (137 triệu USD), hàng dệt may (259 triệu USD), nhóm hàng nhập khẩu trên 100 triệu USD là dược phẩm (115 triệu USD) và than đá (391 triệu USD).
Ngoài ra, trong TOP 5 mặt hàng xuất khẩu giá trị cao còn có máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (58 triệu USD), hàng thuỷ sản (59 triệu USD), hạt điều (23 triệu USD) và TOP 05 mặt hàng nhập khẩu được bổ sung hàng thuỷ sản (35 triệu USD), hàng phân bón (41 triệu USD), sản phẩm từ dầu mỏ (22 triệu USD).
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông (Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok – Liên bang Nga) cho biết, trong thời gian qua, vùng Viễn Đông đóng vai trò cửa ngõ chung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Liên bang Nga với Việt Nam.
Khoảng 70% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển qua hai chủ thể chính là Primorye với cụm cảng Vladivosotk, cụm cảng Nakhodka, Vostotrnui và Zabaikal với cửa khẩu Chita.
Từ năm 2022, Hải quan Nga không công bố số liệu xuất nhập khẩu chính thức, Chi nhánh Thương vụ dự báo trong 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Liên bang Nga đi qua vùng Viễn Đông đạt trên 1 tỷ USD. Hầu hết hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam đến Viễn Đông sau đó tiếp tục vận chuyển đến các thị trường phía tây nước Nga.
Tương tự, cũng theo dự báo của Chi nhánh Thương vụ kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Viễn Đông 4 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 130 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu thuỷ sản từ Viễn Đông vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đạt 35 triệu USD.
Danh mục các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam đến Viễn Đông và ngược lại nhập khẩu từ Viễn Đông vào Việt Nam không có nhiều biến động, Việt Nam xuất khẩu tới đây thuỷ sản, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến, nông sản, hàng công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng… và Việt Nam nhập khẩu từ Viễn Đông thuỷ sản nước lạnh, than, ngũ cốc, và một số thực phẩm chế biến khác.
NẮM BẮT NGAY CƠ HỘI TRONG TRUNG VÀ DÀI HẠN
Để có được kết quả trên, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông Nguyễn Hồng Thành cho biết, xác định tình hình chiến sự tại Ucraina và các xung đột địa chính trị khác trên thế giới còn kéo dài và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới nói chung và sở tại nói riêng, từ đầu năm Chi nhánh Thương vụ đặt mục tiêu giữ vững các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới cho hàng hoá của Việt Nam ở vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.
Chi nhánh Thương vụ giữ liên lạc và tích cực kết nối trao đổi thông tin với các Phòng Thương mại và Công nghiệp Primorye, Khabarovsk, Sakhalin, Yakutia (Xakha), Zabaikal, Buriatia, làm việc với Hải quan Viễn Đông, Hải quan Vladivostok để nắm bắt các chính sách hải quan mới trong việc thông quan hàng hoá của Việt Nam vào Nga.
Đồng thời tổ chức và hỗ trợ đoàn 11 doanh nghiệp sở tại vào làm việc với Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường Châu Âu và Châu Mỹ Bộ Công Thương, Sở Du lịch Hà Nội, Ngân hàng liên doanh Việt Nga, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, tham dự Diễn đàn, Hội chợ xuất khẩu tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh và gặp gỡ giao thương với trên 200 lượt doanh nghiệp Việt Nam.
Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp đánh bắt thuỷ sản Primorye tổ chức toạ đàm “Tiềm năng hợp tác thuỷ sản Nga – Việt tại Viễn Đông”. Hỗ trợ đoàn Tổng công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoa làm việc với các đối tác sở tại tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản giữa hai bên và nghiên cứu khả năng hợp tác mở liên doanh chế biến thuỷ sản trên lãnh thổ Viễn Đông…
Ông Thành cho rằng dư địa tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông còn rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào thị trường này, từ nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, cho đến những sản phẩm điện tử, điện máy, thiết bị và máy móc.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga nói chung và vùng Viễn Đông nói riêng (trên 50% là hàng hóa mang xuất xứ Trung Quốc) hiện nay nhưng đầu tư của nước này vào Viễn Đông còn khá nhỏ giọt vì nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan hai phía.
Bản chất của hoạt động thương mại nói trên là bán vào thị trường này các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng và mua về nguyên nhiên liệu sản xuất với giá thấp nhất.
“Do vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng xây dựng thương hiệu hàng hóa của ta tại thị trường này bằng cách sản xuất một phần trên lãnh thổ Nga để tận dụng những ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác thông qua chính sách thu hút đầu tư của bạn”, ông Thành khuyến nghị.
Ngoài ra, trong tình hình bất ổn trên tuyến đường vận tải biển Đông – Tây được dự báo còn kéo dài, việc Liên bang Nga hiện nay đang gấp rút đầu tư xây dựng tuyến đường vận tải biển Bắc nối cảng Vladivostok và các cảng châu Âu đi qua Bắc Băng Dương dự báo sẽ là tuyến đường vận tải chiến lược của thế giới.
Do đó, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics Việt Nam cần quan tâm theo dõi và tìm kiếm khả năng tham gia nắm bắt cơ hội kinh doanh, đầu tư trong trung và dài hạn với nước bạn.
Source link