Tại hội thảo “Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Lê Châu Hải Vũ, chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech, cho biết sản phẩm có chứng nhận Halal phải không có bất cứ nguyên liệu nào bị Luật Hồi giáo cấm và đảm bảo sự “tinh khiết” trong quá trình sản xuất.
TIỀM NĂNG NHƯNG THÁCH THỨC
Theo thống kê, Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 2,2 tỉ người tương đương 25% dân số thế giới và sinh sống ở khoảng 112 quốc gia trên thế giới, tập trung trung nhiều ở Asia (chiếm 60%), Trung Đông (GCC) và Bắc Phi (gần 20%). Người Hồi giáo ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần 20% tổng dân số người Hồi giáo.
“Thị trường Halal toàn cầu trị giá hơn 2.000 tỷ USD và ước tính sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD trong những năm tới. Đây thực sự là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam”, ông Lê Châu Hải Vũ nhận định,
Tuy nhiên, để xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang thị trường Hồi giáo GCC, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal được quy định theo tiêu chuẩn GSO. Bao gồm: Thực phẩm và nông sản phải được sản xuất từ nguyên liệu không chứa thành phần bị xem là Haram (bị cấm theo luật Hồi giáo); quy trình sản xuất và đóng gói phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal; đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ người dùng và quy định của pháp luật Việt Nam; các sản phẩm phải được đóng gói và ghi nhãn rõ ràng theo quy định của hệ thống đảm bảo Halal (HAS).
“Để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp cần phải có chứng chỉ Halal. Chứng chỉ này sẽ là giấy tờ chứng minh cho khách hàng rằng sản phẩm của doanh nghiệp đã được kiểm tra và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Halal”, ông Lê Châu Hải Vũ nhấn mạnh.
Trong khi đó, điểm yếu của nông sản Việt Nam là tư duy và trình độ quản lý vận hành doanh nghiệp còn thiếu và yếu; thiếu nguồn vốn đầu tư cho trang thiết bị, công cụ kiểm tra kiểm soát chất lượng.
Cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch tốt để tối ưu hóa sản xuất và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phương thức canh tác còn lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật… Sản xuất và xuất khẩu nông sản còn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tại thị trường khu vực vùng Vịnh, nông sản Việt Nam tuy có giá bán thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trong khu vực nhưng do chất lượng còn thấp nên kém cạnh tranh hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam lại chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo, dẫn tới tâm lý e ngại và chưa chịu đầu tư. Gặp nhiều khó khăn trong chứng nhận: nhiều tiêu chuẩn chứng nhận riêng biệt cho từng khu vực và tốn nhiều chi phí. Hệ thống còn sản xuất chung với các sản phẩm haram (heo, chất có cồn).
Đặc biệt, doanh nghiệp thiếu nguồn nhân sự (nhân viên theo đạo Hồi làm quản lý quy trình sản xuất Halal) và nguyên liệu Halal, chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng nhận Halal cũng như các tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam; chưa chủ động tìm hiểu thị trường, xuất khẩu thông qua các kênh giới thiệu không đủ độ tin cậy.
Hơn nữa, tuy có những tín hiệu tăng trưởng khả quan về xuất khẩu nông sản sang Trung Đông nhưng hàng nông sản Việt Nam vẫn còn chưa tạo được thương hiệu mạnh và phải chịu cạnh tranh gay gắt với hàng nông sản của các quốc gia khác, như với Ấn Độ, Srialanka, Thái Lan, Trung Quốc và Brazil…
ĐẦU TƯ NGHIÊN CỨU SÂU THỊ TRƯỜNG
Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, cũng nhận định thị trường Trung Đông có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm Halal, đặc biệt là nông sản, nên rất tiềm năng cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Song để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông thành công, theo các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư nghiên cứu sâu để có hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường. Cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của khu vực này, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo.
Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ Nhất, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út, khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu thị trường, quy định sở tại về quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán cũng như tham gia đoàn xúc tiến thương mại sang địa bàn mang theo hàng mẫu, hàng dùng thử quảng bá, kết nối trực tiếp, dùng sảm phẩm của doanh nghiệp làm quà tặng đối ngoại.
Bên cạnh đó, xu thế hiện nay, Ả-rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giá cao và đang có nhu cầu trong trong thời gian tới… Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đặc biệt, cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Thương vụ đề nghị doanh nghiệp tăng cường tìm các đầu mối nhập khẩu hàng hóa mà không đi qua khu vực Biển Đỏ (hiện nay hàng hóa đến Ả-rập Xê-út qua cảng khô Riyadh, cảng Dammam và Yanbu không bị ảnh hưởng).
“Để tránh rủi ro, khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu tại khu vực này cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc, nếu trả trước thì càng tốt. Doanh nghiệp không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến”, ông Kim cảnh báo.
Source link