Thách thức lớn với xuất khẩu của Việt Nam vào Canada

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số nhóm/mặt hàng có mức tăng đến 3 chữ số như: máy móc thiết bị phụ tùng, thủy tinh… Tuy nhiên, vẫn có một số ngành hàng có xu hướng giảm, gồm: dệt may, điện thoại, phương tiện vận tải, túi xách…

NHU CẦU THỊ TRƯỜNG SUY GIẢM

Báo cáo mới đây của Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết: xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang thị trường Canada đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là nhu cầu của thị trường suy giảm, do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, yếu tố suy thoái kinh tế, lãi suất cao và lạm phát thực phẩm cao sẽ buộc các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm chi tiêu, mua sắm.

Thứ hai, để thúc đẩy xuất khẩu, Canada đang duy trì chính sách tỷ giá thấp, khiến hàng của Việt Nam trở nên đắt hơn nhiều so với trước đây (do được báo giá bằng USD). Chính sách tỷ giá này cũng khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư, mua sắm thiết bị, hàng trữ kho,… ảnh hưởng tiêu cực đến cả xuất khẩu và nhập khẩu của Canada.

Thứ ba, mô hình tiêu dùng của Canada trong thời gian tới sẽ khác 2 năm trước đây (mua sắm ồ ạt sau Covid-19 do dư tiền tiết kiệm; nhập khẩu của Canada năm 2021 tăng 21% so với 2020 và năm 2022 tăng 16% so với năm 2021) và dự kiến dao động ổn định ở ngưỡng 450-500 tỷ USD. Nói cách khác, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Canada sẽ sụt giảm trong những năm tới để trở về mức tiêu dùng thông thường.

Thứ tư, cơ cấu tăng trưởng của Canada dự kiến khó có thể thay đổi theo hướng đột phá trong 2-3 năm tới, kể cả với sự thay đổi Chính phủ thì các tác động chính sách cũng cần thời gian để nền kinh tế tăng trưởng thực. Trong khi đó, hậu quả của chính sách lãi suất và nhập cư đối với nền kinh tế Canada sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Hiện nay, động lực tăng trưởng chủ yếu của Canada không phải là sản xuất mà là từ tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và tăng quy mô dân cư; trong khi năng suất lao động ngày càng thấp so với các nước G7 khác.

Thứ năm, khi nền kinh tế suy thoái, đời sống khó khăn, làn sóng bảo hộ cực đoan và sử dụng các biện pháp phòng vệ sẽ có nguy cơ ngày càng nhiều. Hiện nay, Canada đã khởi xướng 18 vụ việc trong các lĩnh vực, mặt hàng khác nhau đối với Việt Nam, đã có tác dụng ngăn chặn xuất khẩu ngay lập tức đối với các dòng sản phẩm này.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, cho biết thời gian qua, lợi thế thuế quan mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam đã dần mất đi do Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (như Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…). Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.

“Canada kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: trái cây, thủy sản, dệt may”, bà Quỳnh nhận định.

LỢI THẾ CẠNH TRANH ĐANG MẤT DẦN

Trong năm 2023, qua theo dõi số liệu nước sở tại, bà Quỳnh cho biết Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico – những nước có Hiệp định Thương mại tự do song phương với Canada. Trong khối ASEAN, Canada cũng tăng cường nhập khẩu từ Philippines, Malaysia và Indonesia (dự kiến sẽ ký Hiệp định Thương mại tự do với Canada vào cuối năm 2024).

Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao cũng khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Đối với riêng lĩnh vực dệt may, bà Quỳnh cho biết Việt Nam còn gặp bất lợi lớn khi không còn được hưởng ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường vào cuối năm 2024. Trong khi đó, Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan thông thường (GSP) sẽ không áp đặt thêm các tiêu chí về xã hội và môi trường. Đây là bất lợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam khi các đối thủ dệt may cạnh tranh lớn của chúng ta (như: Bangladesh, Cambodia, Haiti, Sri Lanka, Pakistan, Kenya, Egypt và El Salvador) sẽ tiếp tục hưởng GSP mà không phải chịu các ràng buộc về xã hội và môi trường; đồng thời, được hưởng quy định về xuất xứ dệt may đơn giản hơn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay cơ cấu hàng xuất khẩu công nghiệp nội địa của Việt Nam sang Canada chủ yếu là nhóm ngành hàng dệt may, đồ chơi và đồ gỗ nội thất (chiếm 40% giá trị kim ngạch), nhóm mặt hàng này dự báo khó có khả năng giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và các năm tới, trừ sản phẩm ô tô điện của Vinfast. Đối với nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị và sản phẩm điện tử (chiếm 50% tổng kim ngạch), hiện nay thị trường Canada vẫn có nhu cầu cao đối với các mặt hàng này…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thách thức lớn với xuất khẩu của Việt Nam vào Canada - Ảnh 1

Source link