Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (VANZA) và JGL Vietnam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Logistics xanh – nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Nam và các doanh nghiệp Hàn Quóc, Singapore trong lĩnh vực logistics và xuất khẩu.

Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, logistics xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Logistics xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động vận tải và kho bãi mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

“Đặc biệt, với các doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu thống kê, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 16,8%, đóng góp 5-6% GDP, nếu doanh nghiệp nhận thức đúng vai trò của logistics xanh sẽ có ý nghĩa rất lớn tới quá trình nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu”, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long là 68 tỷ USD, trong đó Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm, Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỷ USD, trong đó 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo. Sắp tới, thành phố này sẽ mở rộng sân bay thành sân bay quốc tế lớn với 10-15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ những cơ hội đó, các giải pháp về logistics xanh sẽ góp phần tận dụng tối đa, hiệu quả để phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ông Sang – Hoon Lee, Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Chính phủ Hàn Quốc

Tham dự hội thảo, ông Sang-Hoon Lee, Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc (KEA) cho rằng, khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và thị trường năng lượng toàn cầu trở nên bất ổn, nhu cầu thiết lập an ninh năng lượng và trung hòa carbon ngày càng tăng.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến logistics xanh đã tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới. Khi tầm quan trọng của phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng tăng, ngành logistics cũng đang giới thiệu các phương thức vận chuyển thân thiện với môi trường như: xe điện và xe hybrid để giảm lượng khí thải carbon và logistics xanh là yếu tố then chốt trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

“Hàn Quốc và Việt Nam có thể cùng nhau thảo luận về chương trình nghị sự quốc tế này và sự kiện hôm nay sẽ là một bước tiến trong hành trình dài hướng tới trung hòa carbon”, ông Sang-Hoo Lee hy vọng.

Tại hội thảo các chuyên gia đều cho rằng, trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng xanh, sạch và bền vững, logistics xanh không chỉ còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu nhằm hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và cộng động doanh nghiệp nói chung.

Cũng tội thảo, các đại biểu tập trung bàn luận những giải pháp cụ thể về logistics xanh bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải carbon, cải tiến công nghệ vận chuyển và kho bãi. Logistics xanh đòi hỏi những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vận tải, quản lý kho bãi đến bao bì và đóng gói. Doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngành logistics với mức tăng trưởng bình quân khoảng 14-16%/năm buộc phải xanh hóa khi yêu cầu từ các đối tác, nhà mua hàng và người tiêu dùng quốc tế mỗi ngày đặt ra cao hơn. Các công ty trong ngành phải tìm mọi cách để giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon nếu không muốn bị mất đơn hàng. Hiện nay, nhiều Tập đoàn Logistics lớn của thế giới đã đi trước thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia cam kết.

Hội thảo nêu bật vai trò của logistics xanh bên cạnh mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26, còn là tiền đề, điều kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết nối các doanh nghiệp, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn thành công của các DN áp dụng mô hình sản xuất xanh, logistics xanh.

Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ông Đỗ Xuân Quang, Nguyên Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet.

Dưới góc nhìn một nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành, ông Đỗ Xuân Quang chia sẻ: “Với ngành logistics thì ESG được cụ thể hóa bằng khái niệm logistics xanh. Logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau và tạo tiền đề cho nhau phát triển. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường, mà còn tạo ra cơ hội mới và giúp tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần quan trọng vào việc hình thành một môi trường kinh doanh tích cực và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại doanh nghiệp”.

Khi các mắt xích đó đều “xanh”, doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp.

Ông Đỗ Xuân Quang nhấn mạnh: “Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh, qua các chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách vĩ mô về cơ chế và kinh tế của Chính phủ, việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của những người làm logistics và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, lợi ích và ý nghĩa của logistics xanh tới sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội”.

Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ông Desmond Gay – Chủ tịch, Tập đoàn JGL Singapore.

Ông Desmond Gay – Chủ tịch, Tập đoàn JGL Singapore chia sẻ kinh nghiệm thực hiện logstics xanh: “Chúng tôi hoạt động với cam kết phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG, xây dựng kho ngoại quan, kho lạnh trung tâm và các hạ tầng logistics khác theo tiêu chí xanh hóa, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực đạt hiệu quả tối ưu. Và luôn nỗ lực cải thiện tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường và xã hội, đồng thời mong muốn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực logistics xanh bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

“Trong chiến lược phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, một trong những yếu tố quan trọng là sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và hợp lý hóa trong các dây chuyền sản xuất. Thành công của Kido cũng từ những chuyển đổi này, đặc biệt là ứng dụng logistics xanh trong xuất khẩu hàng hóa, đáp ứng hàng rão kỹ thuật xuất khẩu thị trường EU, MỸ”, ông Mã Thanh Danh- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KiDo chia sẻ.

Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Tọa đàm “Logistics xanh – hướng đi mới cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp XNK”

Đểm nhấn của hội thảo là tọa đàm “Logistics xanh – hướng đi mới cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp XNK”. Các DN cũng đưa ra ý kiến, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành logistics, Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…

Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất – kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.

Doanh nghiệp cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả.

Logistics xanh tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ký kết hợp tác về phát triển các dự án hướng đến Net Zero tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo, Giáo sư Dong Hoon Hyun – Chủ tịch Tập đoàn SEP Cooperatives. Đơn vị chuẩn bị đầu tư KCN trung hoà carbon trị giá 200 triệu USD đầu tiên tại Bình Dương đã ký kết hợp tác cùng ông Hồ Quang Minh – Chủ tịch Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam Asia (Vanza) về phát triển các dự án hướng đến Net Zero tại Việt Nam; hợp tác trong năng lượng mới, phát triển khu công nghiệp sinh thái, phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính.



Source link