Đẩy mạnh hợp tác logistics, đưa hàng Việt “thẳng tiến” thị trường EU

Nhận diện thách thức và cơ hội tại thị trường châu Âu Đa dạng hóa thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường châu Âu

Tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics Việt Nam – Slovenia

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và EU 6 tháng năm 2024 đạt gần 32,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2023.

Đẩy mạnh hợp tác logistics, đưa hàng Việt
Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực logistics sẽ giúp hàng Việt tăng xuất khẩu sang thị trường EU

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 15,4%, đạt trên 24,69 tỷ USD, nhập khẩu tăng 7,7%, đạt trên 7,69 tỷ USD. Như vậy, 6 tháng năm 2024 Việt Nam xuất siêu sang EU gần 17 tỷ USD, tăng 19,2% so với 6 tháng năm 2023.

Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá với khu vực thị trường này, phát triển ngành dịch vụ logistics là việc không thể xem nhẹ. Bà Đinh Thị Hoàng Yến – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Áo, kiêm nhiệm Slovenia thông tin, do vị trí địa lý và sự phát triển chiến lược của Cảng Koper, Slovenia đã nổi lên như một trung tâm hậu cần trong mạng lưới vận tải xuyên châu Âu. Cảng Koper là cảng biển lớn nhất của Slovenia và là một trong 3 cảng lớn của vùng biển Adratic bên cạnh cảng Trieste của Italia và cảng Rijeka của Croatia, nối với biển Địa Trung Hải và thông qua Ấn Độ Dương qua kênh đào Suez.

Ngày 22/12/2022, cảng Koper của Slovenia là cảng đầu tiên ở phía Bắc Adriatic có công suất vượt quá một triệu TEU container trong một năm, đến cuối tháng 12/2024 sẽ có thêm 10.000 container nữa, nâng tổng sản lượng của Koper tăng 150% so với năm trước.

Trong vòng 10 năm tới, Cảng Koper muốn đạt hai triệu TEU container với việc mở rộng đường vào cảng và ga đường sắt vận chuyển hàng hóa cho tàu dài từ 500m lên 750m. Hiện có tới 55% hàng hóa di chuyển từ cảng bằng xe tải và chỉ 45% vận chuyển bằng đường sắt. Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Slovenia cho rằng việc cảng Koper đạt doanh số kỷ lục hơn 300 triệu Euro, 23 triệu tấn và 800.000 phương tiện trung chuyển trong 1 năm, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và năng lượng, đã biến nơi này trở thành cảng ô tô quan trọng nhất ở Địa Trung Hải.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến cho biết, tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam và Slovenia lần thứ 3 tại thủ đô Ljubljana của Slovenia. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm và làm việc với cảng Koper. Phía Slovenia bày tỏ mong muốn tạo sự kết nối trực tiếp giữa các cảng biển Việt Nam với cảng Koper của Slovenia, một trong những cảng có vị trí địa lý chiến lược, là Trung tâm logistics hàng đầu tại châu Âu nói chung và khu vực Adriatic nói riêng.

“Thông qua kết nối này, với thế mạnh về cảng biển và logistics, Slovenia có thể trở thành cầu nối gần hơn, nhanh hơn và chi phí hợp lý hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU, nhất là các nước Đông Âu và Trung Âu” – bà Đinh Thị Hoàng Yến nói.

Trước đó, vào tháng 11/2023, Tập đoàn Vinfast đã ký MOU hợp tác với cảng Koper để chuẩn bị cho việc nhập khẩu xe ô tô điện Vinfast vào châu Âu. Tháng 9/2024, Slovenia sẽ có đoàn doanh nghiệp về logistics vào Việt Nam nhằm phát triển mối quan hệ kinh doanh với các công ty vận tải quốc tế và logisics có trụ sở tại Việt Nam, các công ty trong ngành, các bên liên quan. Đồng thời, giới thiệu các giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện (cảng, hải quan, hàng hải, và vận tải đường bộ tới điểm đến) cho hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam đi thị trường Trung và Đông Âu và hàng nhập khẩu từ thị trường Trung, Đông Âu về Việt Nam; nối lại tuyến hàng hải trực tiếp từ TP. Hồ Chí Minh đi Koper đã có từ trước dịch Covid-19.

Nhân dịp này, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến Đầu tư (Spirit Slovenia) thuộc Bộ Kinh tế Slovenia sẽ ký MOU về hợp tác giữa hai cơ quan để hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển dịch vụ logistics khu vực.

Tháo gỡ khó khăn do thiếu container

Mặc dù xung đột tại Biển Đỏ và tình hình thiếu container rỗng của Trung Quốc gần đây đã đẩy giá chi phí vận tải đường biển tăng lên đáng kể, các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn cần tính toán phương án vận chuyển hàng hóa vào châu Âu qua đường cảng Koper của Slovenia để tiết kiệm thời gian và chi phí so với tuyến hàng hải qua Amsterdam của Hà Lan, Hamburg của Đức. Bên cạnh đó, tìm hiểu các đặc điểm, quy định nhập khẩu vào EU qua cửa ngõ này, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường, tận dụng các ưu đãi do Hiệp định EVFTA mang lại.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến cũng gợi ý, doanh nghiệp có thể kết hợp với cảng Koper xây dựng một trung tâm logistics với hệ thống kho lạnh để bảo quản các mặt hàng xuất khẩu tươi sống như hoa quả, thuỷ sản của Việt Nam. Trong điều kiện nhiều nước châu Âu chưa có tuyến bay thẳng và giá cước phí vận chuyển đắt đỏ, lựa chọn vận tải đường biển sẽ là một giải pháp tối ưu cho bài toán kinh tế cho hàng Việt Nam vào EU.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng các sàn thương mại điện tử tại các thị trường lớn của EU để tập hợp đơn hàng, thuận tiện giao dịch quốc tế, hạ giá thành vận chuyển cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Slovenia là một đối tác bạn bè truyền thống của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu. Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu của Slovenia ở khu vực ASEAN và có thể trở thành cửa ngõ giúp các doanh nghiệp Slovenia tiếp cận thị trường ASEAN cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương – là các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA.

Kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi năm 2020, thương mại của Việt Nam với Slovenia luôn đạt mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, hai bên cũng thẳng thắn cho rằng mặc dù hợp tác kinh tế thương mại song phương dù đã đạt những bước phát triển tích cực trong thời gian qua, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu, cũng như quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Năm 2024 kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam – Slovenia (7/6/1994). Chính phủ hai bên đã có nhiều hoạt động để chào mừng 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước như tham vấn chính trị vào tháng 3/2024, chuyến thăm của bà Renta Ccelbar Bek, Đại sứ, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Slovenia, và Đại sứ Slovenia tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam đến Việt Nam từ ngày 18-19/6/2024, bổ nhiệm Lãnh sự danh dự và khai trương Văn phòng Lãnh sự Cộng hoà Slovenia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến cuối năm 2024, Bộ Văn hoá sẽ gửi phim Việt Nam sang công chiếu tại Slovenia.



Source link