Cách nào bảo vệ doanh nghiệp dệt may khi đối tác phá sản? Doanh nghiệp dệt may xúc tiến mở rộng thị phần tại Mỹ |
Xuất khẩu đạt 1,91 tỷ USD
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%, chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch của Việt Nam sang thị trường này.
Nửa đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang khối EU cũng có diễn biến trái chiều. Tại một số thị trường, kim ngạch ghi nhận tăng cao, như: Hà Lan đạt xấp xỉ 565,29 triệu USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ, chiếm 29,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Thị trường Séc mặc dù kim ngạch không cao, đạt gần 14,52 triệu USD nhưng tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,98%; Slovakia cũng tăng tới 55,32%, đạt trên 2,39 triệu USD; Luxembourg tăng 24,76%, đạt trên 1,74 triệu USD.
Hàng dệt may của Việt Nam còn dư địa mở rộng thị phần tại EU. Ảnh: Cấn Dũng |
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường trong khu vực như: Áo giảm 32,37%, đạt gần 4,17 triệu USD; Hungary giảm 31,21%, đạt trên 0,57 triệu USD; Đức giảm 18,26%, đạt 363,65 triệu USD.
Như vậy, nửa đầu năm 2024, có 6 thị trường trong khối EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trở lên. Bao gồm: Tây Ban Nha đạt gần 252,35 triệu USD, Bỉ đạt gần 206,17 triệu USD, tăng 6,75%, Pháp đạt 206,01 triệu USD, tăng 3,3%, Italia đạt gần 159,29 triệu USD, tăng 1,63%, Đức 363,65 triệu USD…
Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU nửa cuối năm 2024 sẽ phục hồi rõ nét hơn khi vào mùa nghỉ lễ Giáng sinh và Tết dương lịch.
Nhiều thách thức đang chờ doanh nghiệp
EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, so với các thị trường khác, xuất khẩu hàng dệt may sang EU của Việt Nam phục hồi chậm hơn. Nguyên do, nền kinh tế của EU dù đã khởi sắc nhưng vẫn rất khó khăn.
Theo Ngân hàng Trung ương EU (ECB), dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm 2024 sẽ tốt hơn so với năm 2023 (tăng trưởng ở mức 0,4%) tuy nhiên do còn tiềm ẩn các yếu tố địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được dự báo khiêm tốn ở mức 0,9% vào năm 2024, 1,4% vào năm 2025 và 1,6% vào năm 2026.
Bên cạnh thách thức về tăng trưởng kinh tế, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang EU còn đối mặt với những thách thức liên quan đến các quy định về tăng trưởng bền vững của khối này.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp – Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, một số chính sách xanh và phát triển bền vững của EU có khả năng tác động đến xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU trong dài hạn.
Đầu tiên là Chiến lược Thỏa thuận Xanh EU, liên quan đến ngành dệt may, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, gồm có: Chiến lược ngành dệt may tuần hoàn và bền vững tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đề xuất mới hoặc sửa đối các quy định, chỉ thị, hướng dẫn có liên quan đến ngành dệt may. Đáng chú ý là: Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững và Chỉ thị về rác thải, Chương trình hướng dẫn Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, việc EU ngày càng mở rộng thêm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với ngành dệt may sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội, môi trường… Trong khi đó, năng lực doanh nghiệp, điều kiện sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, việc chuyển đổi mô hình sản xuất cần công nghệ và nguồn vốn lớn.
Với hiện trạng đó, bà Trịnh Thị Thu Hiền đề xuất một số giải pháp: Tích cực vận động chính sách đối với EU, hạn chế tối đa rào cản tiếp cận thị trường, tránh tạo thêm gánh nặng về hành chính và chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu.
Yêu cầu EU tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin để làm rõ các yêu cầu kỹ thuật chi tiết và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp đối với từng nước đối tác, trên cơ sở tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước và hỗ trợ hướng dẫn các bước cụ thể cho doanh nghiệp để đáp ứng các quy định mới.
Về phía doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, nhanh chóng xây dựng kế hoạch điều chỉnh sản xuất và xuất khẩu bài bản để kịp thời thích ứng với các yêu cầu, quy định mới, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế- TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào tập trung hoạt động theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, thị trường đang đặt ra vấn đề xanh là số 1, chất lượng là số 2, giá cả là số 3. Lâu nay doanh nghiệp chú ý nhiều đến vấn đề chất lượng, cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Bây giờ nếu không “xanh” thì chất lượng và giá cả không giải quyết được vấn đề thị trường.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, EU bắt đầu quy định từ năm 2026 tất cả các hàng hóa xuất khẩu vào khối đều phải báo cáo chất thải khí nhà kính. Doanh nghiệp không có báo cáo thì không thể xuất khẩu sang thị trường này.