Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), sau phiên khởi sắc đầu tuần, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/7, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm lần lượt 1,63% với Arabica, còn 5.271,25 USD/tấn và 2,18% với Robusta, còn 4.481 USD/tấn. Chỉ số Dollar Index tăng 0,13% khiến tỷ giá USD/BRL tăng 0,12%, quay lại mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Sức mạnh đồng USD tăng so với đồng Real đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil, từ đó gây sức ép lên giá.
Giá hai mặt hàng cà phê cùng quay đầu giảm |
Ngoài ra, báo cáo tiến độ cho thấy Brazil vẫn đang đẩy mạnh hoạt động thu hoạch cà phê. Theo hãng tư vấn Sfras&Mercado, tính đến ngày 17/7, Brazil đã thu hoạch 74% sản lượng cà phê vụ 2024-2025, cao hơn mức 66% của cùng kỳ năm ngoái và 70% của trung bình 5 năm gần nhất.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt gần 3,2 tỷ USD, tức chỉ còn cách năm ngoái khoảng 1 tỷ USD và cao hơn cả năm 2021 (gần 3,1 tỷ USD).
Riêng nửa đầu tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 32.041 tấn, giá xuất khẩu bình quân tăng tới 75%, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên 158 triệu USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 sẽ vượt 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.
Tuy lợi thế về giá song lượng cà phê trong dân năm nay không còn nhiều. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương (VITIC) ước tính lượng cà phê tồn kho chỉ còn khoảng 200.000 tấn trong khi hơn 3 tháng nữa Việt Nam mới vào vụ thu hoạch. Phải chờ sang tháng 10-11, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.
Đồng ý kiến, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), ước tính, sản lượng cà phê Robusta của nước ta vụ 2023-2024 đạt khoảng 26,7 triệu bao (bao 60kg), tuy nhiên, vụ 2024-2025 nhiều khả năng giảm về mức 21,4-22,7 triệu bao.
Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch VICOFA, cho biết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến khô hạn xảy ra không chỉ ở Tây Nguyên (vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam) mà còn khắp toàn cầu, vì vậy, tổng nguồn cung cà phê trên thế giới giảm mạnh đã đẩy giá cà phê tăng cao kỷ lục từ trước tới nay.
Cần tập trung nâng cao chất lượng cà phê (Ảnh: TTXVN) |
Bên cạnh vấn đề nguồn cung, đại diện VICOFA cũng cho rằng, ngành cà phê đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất khác. Việc duy trì chất lượng và sản lượng ổn định là yếu tố then chốt để giữ vững vị thế trên thị trường thế giới. Để tận dụng tối đa cơ hội từ giá cà phê tăng cao, các chuyên gia cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để đảm bảo chất lượng xuất khẩu và đi đường dài, các chuyên gia cũng cho rằng nông dân, HTX và cả doanh nghiệp nên tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong đó, cần ưu tiên thực hiện đối với những vườn cà phê có độ tuổi từ cao đến thấp, những khu vực sản xuất cà phê tập trung để hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm cà phê, hình thành các vùng sản xuất tập trung bảo đảm nguồn gốc xuất xứ thay vì ồ ạt mở rộng diện tích trồng mới.