Kim ngạch đạt 8,78 tỷ USD nhưng ngành gỗ đang đối diện với khó khăn kép

Đơn hàng tăng tốc, xuất khẩu gỗ khả năng về đích 15,2 tỉ USD Mỹ chiếm 80,6% trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ bằng gỗ của Việt Nam

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% (xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60%) nhờ đóng góp của hầu hết các nhóm hàng. Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 9,41 tỷ USD (tăng 21,1% so với cùng kỳ), trong đó, riêng mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ thu về 8,78 tỷ USD (tăng 21,9%).

7 tháng đầu năm 2024, Xuất khẩu gỗ và sản phẩm thu về 8,78 tỷ USD
7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 8,78 tỷ USD

Ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, từ đầu năm đến nay, ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong những điểm sáng trong xuất khẩu, với mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số.

Đáng chú ý, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của một số sản phẩm, thị trường chính đã tăng trở lại như: Dăm gỗ đạt 1,36 tỷ USD, tăng 37,71% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp theo sản phẩm gỗ xây dựng đạt 267 triệu USD, tăng 31,49% và đồ gỗ nội thất đạt 3,78 tỷ USD tăng 23,12%. Về thị trường, Hoa Kỳ đạt 3,27 tỷ USD, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2023, Trung Quốc đạt 716 triệu USD, tăng 46,5%, EU đạt 281 triệu USD, tăng 29,6%.

Trong bức tranh chung của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ gỗ, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã chính thức công bố về kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Đáng chú ý, về điều tra chống lẩn tránh, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, DOC đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Việc này sẽ giúp cho mặt hàng tủ gỗ Việt rộng cửa tại thị trường Hoa Kỳ từ nay đến cuối năm.

Xu hướng thị trường đang chứa đựng những yếu tố không bền vững

Mặc dù xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt được kết quả khá cao nhưng để đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành chế biến gỗ và lâm sản gặp không ít các khó khăn.

Theo đó, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng điều này, có thể khiến nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng cuối năm 2024 không được như những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hoá.

Như tại EU, thị trường này đã ban hành quy định về không gây mất rừng (EUDR) để thay thế cho Quy chế gỗ của EU (EUTR), trong đó, ngoài yêu cầu về tính hợp pháp còn bổ sung thêm quy định về không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Quy định này sẽ thực thi từ ngày 30/12/2024, đây là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU trong việc chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của EUDR, đặc biệt là yêu cầu về chỉ dẫn địa lý trong khi EU chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng thời một số nhà nhập khẩu EU đã yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu của ta phải tuân thủ EUDR.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu sản phẩm gỗ dán của Việt Nam nhưng hiện nay Hàn Quốc đã thực hiện rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và ngày 27/5/2024, đưa ra kết luận điều tra và quyết định tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá. Cụ thể, các công ty sản xuất, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sẽ bị tiếp tục bị áp dụng thuế chống bán phá giá trong 5 năm tiếp theo, ở mức từ 9,78% tới 32,28%;….

Bên cạnh các yếu tố thị trường, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam – cho hay, hiện nay, giá cước vận tải tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.

Ông Đỗ Xuân Lập cho hay, xu hướng thị trường đang chứa đựng những yếu tố không bền vững. Như với mặt hàng tủ bếp, xu hướng chung thị trường của mặt hàng này đang đứng, có thời điểm có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Lý do thị trường tăng được cho là xung đột địa chính trị khiến chi phí logistics tăng đẩy giá hàng hóa tăng theo, do đó, nhiều nhà nhập khẩu quyết định mua hàng để tích trữ trong kho.

“Nhìn thị trường nhiều người cho rằng đang ‘ấm dần lên’, nhưng thực tế, phía các nhà mua hàng có mua cũng chỉ tích trữ trong kho, chứ sức mua thực tế trên thị trường đang giảm”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.

Nói về xu hướng thị trường, ông Vũ Quang Huy – Chủ tịch Chi hội gỗ dán Việt Nam – cho hay, nhu cầu có tăng, nhưng hiện đang bị tác động bởi cước tàu biển. Dự báo, trong 3 tháng tới đây, vấn đề này vẫn tác động khá nặng nề đến xuất khẩu, nhất là xuất khẩu đến các thị trường Hoa Kỳ, EU, Bắc Phi, Ấn Độ,… Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu tăng cao quá, nhất là giá gỗ cao su tăng phi mã, có thời điểm tăng trên 1 triệu đồng/m3 khiến doanh nghiệp trong ngành gỗ gặp khó.

Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023. Để ngành gỗ về đích, ông Trần Quang Bảo cho hay, về phía Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, thu hút, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản thông qua việc tổ chức hiệu quả hội chợ, triển lãm. Tiếp tục phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin và có những giải pháp hiệu quả để ứng phó với các vụ kiện thương mại.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, ông Trần Quang Bảo cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.

Đồng thời, triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu theo hướng dẫn tại Quyết định số 2260/QĐ/BNN-LN ngày 9/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu Hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Sau đó, đánh giá nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là EUDR.



Source link