Bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam Điểm tên những thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 114 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Quý II/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 58 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp đà tăng từ năm 2023, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương. Trong 3 tháng của quý II/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng trưởng dương, đặc biệt xuất khẩu trong 2 tháng 5 và 6 tăng trưởng 2 con số.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng trưởng ổn định
Mực, bạch tuộc của Việt Nam đang được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng

Nhu cầu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc vẫn ổn định trong nửa đầu năm nay. Bên cạnh đó, Hàn Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Peru nên tăng nhập khẩu từ Việt Nam.

Vụ xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản có tác động làm giảm nhu cầu nhập khẩu hải sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản. Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của Trung Quốc, cũng khiến nguồn cung mực, bạch tuộc từ Trung Quốc cho các thị trường như Hàn Quốc giảm sút do thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng dương trong các tháng tiếp theo của năm 2024 khi lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 71,9%, mực chiếm 28,1%. Trong đó nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc. Nhóm sản phẩm này tăng 18% trong khi nhóm bạch tuộc chế biến (HS 16) giảm 15%.

2 quý đầu năm 2024, xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh hơn so với mực. Xuất khẩu nhóm sản phẩm mực chế biến và mực khô/nướng tăng 2 con số trong khi xuất khẩu nhóm sản phẩm mực tươi/đông lạnh giảm nhẹ 4%.

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực nút đông lạnh…

Giá trung bình xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc ổn định hơn giá mực. Quý II năm nay, giá trung bình xuất khẩu mực của Việt Nam sang Hàn Quốc có xu hướng giảm.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc từ các nước trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 3%, đạt 494 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam lần lượt chiếm 46% và 24% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc.

6 tháng đầu năm 2024, trong số 3 nguồn cung chính, nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Trung Quốc và Việt Nam tăng trong khi nhập khẩu từ Peru giảm mạnh. 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh của Hàn Quốc tăng trong khi nhập khẩu mực đông lạnh giảm.

Năm 2024, nhập khẩu thủy hải sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Cuối năm 2024, đồng nội tệ của Hàn Quốc dự báo tăng giá.

Tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng. Những thông tin này có thể là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2024.



Source link