Xuất khẩu tuần từ 22-28/7: 2 nhóm hàng nông nghiệp trong Top 10 hàng xuất khẩu lớn nhất Xuất khẩu tuần từ 29/7- 4/8: 4 nhóm hàng có kim ngạch tăng thêm từ 1 tỷ USD trở lên |
Khoai lang Việt xuất khẩu sang Nhật giá hơn 50.000 đồng/kg
Khoai lang đứng thứ 3 trong các cây lương thực tại Việt Nam, chỉ sau lúa và ngô. Tại tỉnh Lâm Đồng, đã có doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất khoai lang từ vùng trồng đến chế biến, xuất khẩu. Nhờ đó, các dòng sản phẩm khoai lang qua chế biến đã được bán tại thị trường có yêu cầu cao về chất lượng là Nhật Bản.
Mỗi năm, Công ty Chế biến thực phẩm Đà Lạt đưa vào chế biến khoảng 3.000 tấn khoai lang, sau đó xuất sang Nhật Bản. Một kg khoai lang ở thị trường trong nước, giá chỉ khoảng 15.000 đồng, nhưng xuất khẩu giá hơn 50.000 đồng/kg.
Khoai lang Việt xuất khẩu sang Nhật giá hơn 50.000 đồng/kg. Ảnh minh họa |
Để có được điều đó, doanh nghiệp này đã định hình một hướng đi để cuối cùng sản phẩm làm ra đáp ứng những tiêu chuẩn mà thị trường Nhật Bản yêu cầu. Chẳng hạn, khoai lang không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng tinh bột, hàm lượng đường phải đạt ngưỡng nhất định…
Công ty đã đầu tư kỹ thuật đúng mức cho vùng trồng khoai lang 200 ha ở Tây Nguyên. Nhờ vậy, năng suất khoai lang cao ở mức 45 tấn/ha, đạt chất lượng, tỷ lệ thu hồi qua chế biến nâng lên 70%.
Thị trường xuất khẩu khoai lang còn nhiều tiềm năng. Nhưng để khoai lang có mặt ở thị trường nhiều nước, điều đầu tiên mặt hàng nông sản này phải khẳng định chất lượng, đồng thời phải hạ giá thành để nâng sức cạnh tranh.
6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines đạt 4,21 tỷ USD
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, trong 6 tháng đầu năm, quốc gia này đã chi 1,2 tỷ USD nhập khẩu gạo từ Việt Nam, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippines đạt gần 2,93 tỷ USD, tăng 17,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD vào thị trường Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024 bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 175,2 triệu USD; clinke và xi măng đạt 171,1 triệu USD; cà phê đạt 133,8 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 132,6 triệu USD.
Những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu đạt từ trên 50 triệu đến 100 triệu USD vào thị trường Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024 bao gồm phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 89,6 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 87,6 triệu USD; sắt thép các loại đạt 62,6 triệu USD; hàng dệt may đạt 60,6 triệu USD; giày dép các loại đạt 51,9 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,28 tỷ USD, tăng 19,5% so với 6 tháng đầu năm 2023. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 779,2 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 132,3 triệu USD; kim loại thường các loại đạt 103 triệu USD; dây điện và dây cáp điện đạt 48,7 triệu USD.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,21 tỷ USD. Điều này cho phép dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong năm 2024 có thể đạt từ 8,1 – 8,3 tỷ USD, tăng từ 3,9% đến 6,4% so với năm 2023.
Xuất khẩu dệt may kỳ vọng cán đích 44 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 có kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8/2022.
Xuất khẩu dệt may kỳ vọng cán đích 44 tỷ USD. Ảnh: Báo Đầu tư |
Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD; trong đó, hàng xơ sợi dệt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ; hàng dệt may đạt 20,2 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ; vải mảnh, vải kỹ thuật khác đạt 458 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ và nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 878 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Hiện, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu chính ngành dệt may của Việt Nam vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm mua sắm, các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mới về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác, để đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành là 44 tỷ USD năm nay.
Xuất khẩu gạo tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gạo tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD. Ảnh: Báo Chính phủ |
Điều đáng nói, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng cao vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam hơn 6 tháng qua có mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023.
Theo VFA, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… ở mức cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đáng chú ý, gạo Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, gạo ST25 đã liên tiếp 2 lần được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Trong các tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất thế giới, vượt qua Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.