Mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2024 có thể hoàn thành
Tại Báo cáo số 5795/BCT-KHTC ngày 7/8/2024 của Bộ Công Thương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 của ngành Công Thương, Bộ Công Thương thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Năm 2025, Bộ Công Thương phấn đấu xuất khẩu tăng khoảng 6%; xuất siêu 15 tỷ USD (Ảnh: Cấn Dũng) |
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt, một số thị trường tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc, EU; Hàn Quốc…
Ở chiều ngược lại, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.
Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực khi có tới 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước).
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 11,63 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.
“Năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu đạt mức tăng 14,9% so với cùng kỳ, cán cân thương mại thặng dư 11,8 tỷ USD, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024” – báo cáo chỉ rõ.
Dựa trên đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn như trên, cùng với đà tăng trưởng như hiện nay (6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ), việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2024 đạt 6% là hoàn toàn có thể.
Nỗ lực cho mục tiêu năm 2025
Năm 2025, toàn ngành Công Thương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2024. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu khoảng 15 tỷ USD).
Để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong toàn ngành. Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán, đàm phán nâng cấp và ký kết có chọn lọc các FTA mới, tận dụng triệt để, hiệu quả các ưu đãi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký mang lại để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, chủ động bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại.
Tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định.
Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.