Xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD dù giảm 2,6% so với năm 2022 nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trong 07 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường đầu tiên có thương mại hai chiều với Việt Nam vượt 100 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ) |
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản… và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng…, cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Ở chiều xuất khẩu, nông sản là mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang phía bạn. Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng chính là mặt hàng “hot” của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng.
Kể từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam từ năm 2022, từ chỗ chủ yếu nhập chính ngạch sầu riêng tươi Thái Lan, thì nửa đầu năm nay, sầu riêng tươi Việt Nam chiếm gần 28% tổng tổng kim ngạch nhập của Trung Quốc, với giá trị 1,1 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả từ nước ta, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường yêu thích nhất.
Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 – 400 triệu USD/năm từ thị trường này.
Cùng với mặt hàng rau quả, nhìn chung, các ngành hàng, doanh nghiệp đã khá nhanh nhạy, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường này để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 ghi nhận, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi (mẫu E và RCEP) theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 dẫn đầu, đạt 19,4 tỷ USD.
Tại thị trường Trung Quốc, mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ sử dụng ưu đãi cao (C/O mẫu E và C/O mẫu RCEP) trong năm 2023 bao gồm rau quả, sơ xợi dệt, cao su và các sản phẩm từ cao su, giày dép, hàng dệt may.
Tiêu dùng ngày càng quan trọng trong cơ cấu tăng trưởng, Trung Quốc ngày càng mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam xuất chính ngạch. Với lợi thế giáp biên, cùng thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại, hứa hẹn nhiều loại trái cây gia tăng mạnh thị phần tại Trung Quốc.
Ông Nông Đức Lai – Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: “Hải quan Trung Quốc phối hợp với các bộ, ngành liên quan với Việt Nam như: Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, tăng cường phối hợp để mà trao đổi thống nhất nội dung các nghị định thư như là dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, sản phẩm thủy sản đánh bắt tự nhiên, cá sấu và dự kiến sẽ sớm được ký kết sớm trong thời gian tới”.
Đối với nhập khẩu, theo Bộ Công Thương, phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là nhóm hàng cần nhập khẩu (bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), phục vụ đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Trung Quốc tiếp tục là địa chỉ cung cấp hàng hóa đầu vào lớn nhất cho Việt Nam, chiếm gần 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Quốc gia tỷ dân được mệnh danh là “công xưởng thế giới” có thể cung cấp cho các ngành sản xuất đa dạng sản phẩm, từ máy móc, thiết bị, đến nguyên liệu đầu vào của các ngành xuất khẩu như điện thoại, máy tính, vải, nguyên phụ liệu giày dép, dệt may…
Thương mại hai chiều sẽ sớm đạt con số 200 tỷ USD
Với con số 112,2 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt khoảng 16 tỷ USD. Như vậy, trong 5 tháng còn lại, dựa theo sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại nửa đầu năm 2024, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD. Trong kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm được duy trì như nửa đầu năm, thì sẽ đạt 190 tỷ USD; nếu phục hồi tốt hơn, thì sẽ đạt, thậm chí vượt mốc 200 tỷ USD. Điều này là khả quan vì theo quy luật hàng năm, xuất nhập khẩu sẽ tăng cao vào dịp cuối năm do nhu cầu xuất nhập khẩu tăng mạnh phục vụ tiêu dùng, Lễ tết cuối năm.
Theo kế hoạch, trong tháng 9/2024, Hội chợ Thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc năm 2024 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác thương mại dịch vụ với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hội chợ tổng hợp, tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ, bao gồm năng lượng, bưu chính, viễn thông; dịch vụ tài chính; dịch vụ văn hóa du lịch; dịch vụ giáo dục; dịch vụ thương mại và chuỗi cung ứng… Đây là cơ hội quan trọng giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân, sáng ngày 18/8, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước đã rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024. Tham gia Đoàn có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Trợ lý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. |