Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm.
Đây là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. RCEP có thị trường 2,2 tỷ dân, GDP trên 26 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu.
NHIỀU QUY ĐỊNH NGHIÊM NGẶT
RCEP được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đơn cử năm 2022 – năm đầu tiên thực thi Hiệp định, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường RCEP có mức tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021. Cụ thể, xuất khẩu sang Australia tăng 49,2%; Nhật Bản tăng 27,5%; ASEAN tăng 20,4%. Đến năm 2023, xuất khẩu sang Indonesia tăng 4,5 lần so với năm 2022; Philippines tăng 15,7%; Trung Quốc tăng 15,8%…
Trong 6 tháng năm 2024, ngoại trừ 3 nước trong ASEAN là Lào, Myanmar, Brunei, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang các thị trường còn lại trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực. Tuy nhiên, không ít mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam vi phạm các Quy định An toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của nước nhập khẩu.
Tại hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP, TS Đào Văn Cường, Chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết 6 tháng năm 2024, có 551 thông báo và thông báo dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam, giảm so với 6 tháng năm 2023 là 566 thông báo. Trong đó, các thị trường có số thông báo nhiều nhất là Canada, Nhật Bản, Brazil…
Trong số 551 thông báo của nửa đầu năm 2024, số lượng lớn nhất thuộc về dư lượng (115 thông báo), sau đó là sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật, thức ăn chăn nuôi… Tương đương với đó, các cơ quan của Việt Nam nhận được nhiều thông báo nhất lần lượt là Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế; Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương…
Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết các quy định SPS trong Hiệp định RCEP dựa trên 6 tiêu chí, gồm: tuân thủ quy định quốc tế; đánh giá rủi ro dựa trên khoa học; minh bạch; khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau; hợp tác; ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.
Các biện pháp kiểm dịch được đưa ra nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan. “Mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu”, ông Quang cho biết.
Trong thị trường RCEP, số lượng sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm, thêm vào đó là dừa, chanh leo và ớt được xuất tạm thời. Kế tiếp là New Zealand có năm sản phẩm. Mới nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng bưởi tươi.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong RCEP, yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm và ký kết Nghị định thư. Doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đăng ký theo Lệnh 248, 249, đồng thời khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Cung cấp một số quy định mới của các thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lưu ý rằng đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, bao gồm 128 loài, dạng sản phẩm và 48 loài động vật thủy sản sống.
Riêng các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm phải được cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và cấp mã số. Bên cạnh đó, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống Covid-19, phải tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO và yêu cầu của Trung Quốc theo Lệnh 248, 249…
Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (NFQS) quản lý các cơ sở không sử dụng phụ gia, trong khi Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) quản lý các cơ sở sử dụng phụ gia. NFQS sẽ đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm bị cảnh báo khi thuộc nhóm có hại chung (vi sinh vật tổng số, kháng sinh hạn chế sử dụng,…).
Đối với thị trường Nhật Bản, bà Hoa lưu ý về quy định ngăn chặn các sản phẩm khai thác IUU nhập khẩu được áp dụng từ ngày 1/12/2022, áp dụng cho các loại mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích.
TÌM HIỂU KỸ SPS, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TRỊ GIÁ SẢN PHẨM
Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định SPS ở các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thay đổi liên tục. Trong khi quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của người dân, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khâu chưa kiểm soát được 100% như nguồn nước tưới, đất, bình tưới… tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, ông Hòa nhìn nhận không ít cơ sở định lấy chứng nhận HACCP nhưng nhà xưởng chưa thiết kế theo kiểu một cửa, hoặc để chó, mèo xuất hiện xung quanh khu vực nhà máy. Chính vì những nhận thức chưa sâu sắc này đã góp phần khiến số lượng cảnh báo của Việt Nam trong 6 tháng năm 2024 tăng bất thường.
Do đó, thời gian tới, ông Hòa đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý để tháo gỡ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Henry Bùi, Giám đốc Công ty TNHH MTV khoa học công nghệ Hoàn Vũ, khuyến cáo khi đi vào những thị trường khó tính, để tránh bị cảnh báo, các doanh nghiệp cần có những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có quy trình quản lý, kiểm tra rất kỹ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm được đối tác có năng lực kiểm định để đưa hàng xuất khẩu vào một cách thành công.
Nhằm đáp ứng quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật khi xuất khẩu nông sản thực phẩm, TS. Ngô Xuân Nam, Văn phòng SPS Việt Nam, khuyến nghị vùng trồng, vùng nuôi cần tuân thủ các quy định của Việt Nam về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh. Tuân thủ và cập nhật biện pháp về SPS của thị trường nhập khẩu. Tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; tham gia các hiệp hội ngành hàng để cập nhật thông tin thị trường và chia sẻ các vấn đề liên quan. Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp với xu thế. Áp dụng hình thức nuôi trồng có chứng chận: VietGAP, GlobalGAP. Thực hiện nghiêm việc giám sát nội bộ, lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2024 phát hành ngày 19/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Source link