Hồ tiêu gia nhập “câu lạc bộ” tỷ USD
Đánh giá về xu hướng giá hồ tiêu trong thời gian qua, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Dương Đức Quang – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu nước ta liên tục neo ở mức cao. Trong những ngày đầu tháng 6, giá tiêu trong nước tiến sát mức 190.000 đồng/kg, là mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Ở thời điểm hiện tại, giá tiêu đã hạ nhiệt nhưng vẫn là mức cao so với lịch sử. Tính đến ngày 15/8, giá tiêu trong nước ghi nhận quanh mức 140.000 đồng/kg, cao gấp 1,75 lần giá hồi đầu năm 2024 và gấp 2 lần giá tiêu vào cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng cao, ông Dương Đức Quang cho rằng, giá hồ tiêu tăng cao từ đầu năm đến nay chủ yếu xuất phát từ vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Diện tích trồng hồ tiêu tại nước ta đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khiến sản lượng có xu hướng đi xuống, không đủ đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Năm 2024, sản lượng hồ tiêu trong nước ước tính khoảng 170.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với năm 2023 và là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Trên thị trường toàn cầu, tình trạng thiếu hụt tiêu cùng diễn ra, thế giới dự kiến thiếu hụt 64.000 tấn tiêu trong năm nay.
Năm 2024, sản lượng hồ tiêu trong nước ước tính khoảng 170.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Diệp) |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu được bổ sung khi Indonesia bước vào vụ thu hoạch, bắt đầu từ tháng 7. Tuy nhiên, Brazil – quốc gia xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới đang đối mặt với tình trạng mất mùa liên tục do hạn hán.
Theo phản ảnh của một số nông dân vùng Espirito Santos (Brazil), sản lượng hồ tiêu thu hoạch trong năm 2024 có thể thấp hơn 25-30% do nắng nóng khiến bông rụng đợt 1 gần hết và tỷ lệ đậu trái khá thấp nên dự kiến có thể chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái. Tính chung năm 2024, sản lượng hồ tiêu của Brazil có thể giảm 20-25% so với năm 2023.
Với xu hướng này, nhận định của giới chuyên gia, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ tiếp tục được ghi nhận trên thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển, khiến giá hồ tiêu tăng trong trung và dài hạn.
Hiện hồ tiêu Việt Nam đang chiếm đến 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới là hồ tiêu. Cụ thể, nước ta đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Hạt tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 10.006 tấn hồ tiêu, thu về 59,59 triệu USD. Lũy kế đến 15/8/2024, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 173.372 tấn, trị giá 820,16 triệu USD. Như vậy, mục tiêu quay trở lại “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ đô của hồ tiêu đã đến rất gần.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA), ba công ty xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 8 là Haprosimex JSC, Olam Việt Nam và Liên Thành, với lượng xuất khẩu lần lượt là 1.471 tấn, 1.105 tấn và 989 tấn,
“Theo tôi, nếu giá hồ tiêu tiếp tục duy trì được mức giá trên 100.000 đồng/kg thì mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong năm 2024 là khả thi. Nguồn cùng thiếu hụt trong nước và quốc tế không thể bù đắp trong thời gian ngắn, tạo điều kiện giúp giá neo cao, từ đó thu về kim ngạch xuất khẩu lớn dù lượng xuất khẩu giảm” – ông Dương Đức Quang chia sẻ.
Trước đó, Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 267 nghìn tấn hồ tiêu, đem về 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với năm 2022.
Xuất khẩu cà phê có thể đạt cao nhất từ trước đến nay
Bên cạnh hồ tiêu, ông Dương Đức Quang cũng nhận định, cà phê là một trong những loại hạt đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam và giữ vị thế quan trọng trên thị trường cà phê thế giới.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,02 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng và tăng mạnh 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Kết thúc 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tấn, tương đương 90% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 12,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tuy nhiên, sự khan hiếm cà phê đã đẩy giá xuất khẩu tăng vọt. Cũng theo Tổng cục Hải quan, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 15 ngày đầu tháng 8 đạt kỷ lục 5.293 USD/tấn, cao hơn 342 USD/tấn (tương đương tăng 6,9%) so với tháng 7/2024; cao hơn 2.369 USD/tấn (tương đương tăng 81%) so với cùng kỳ năm 2023; và cao hơn 2.244 USD/tấn (tương đương tăng gần 74%) so với giá cà phê xuất khẩu bình quân hồi tháng 1/2024. Giá xuất khẩu dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng bởi tình trạng hạn hán đang tác động mạnh mẽ đến nguồn cung cà phê khắp thế giới.
“Đến cuối năm, hoạt động thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 vào chính vụ, nước ta có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu cà phê ra thế giới, và mục tiêu lần đầu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD vẫn đang có tính khả thi cao” – ông Dương Đức Quang nhận định.