Trên thị trường hàng hoá phái sinh, theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam MXV, đóng cửa phiên giao dịch 26/8, giá cà phê Arabica tăng thêm 0,95%, lên mức 5.503,83 USD/tấn, là mức cao nhất hai năm rưỡi, nối tiếp đà khởi sắc từ cuối tuần trước.
Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu gần 37.000 tấn cà phê với kim ngạch đạt 195 triệu USD, giảm 7,5% về lượng nhưng tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt kỷ lục 5.293 USD/tấn, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhờ nguồn cung lớn và chất lượng ngày càng nâng lên, giá cà phê Việt Nam hiện đang neo ở mức rất cao. Ảnh: Nescafe |
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,8 tỉ USD, giảm 12% về lượng và tăng mạnh 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Lo ngại thời tiết khô hạn tại Brazil cùng thặng dư sản xuất cà phê toàn cầu bị thu hẹp là nguyên nhân hàng đầu hỗ trợ giá.
Tại Brazil, tình trạng khô hạn tại Đông Nam – khu vực trồng cà phê chính của Brazil dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 9. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê đang ra hoa cho vụ thu hoạch 2025-2026, từ đó có thể đẩy nguồn cung xuống mức thấp.
Ngoài ra, trong khảo sát của Reuters, nhiều nhà xuất khẩu và nhà phân tích nhận định rằng nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 có thể sẽ bị thắt chặt. Theo đó, sản lượng chỉ cao hơn nhu cầu khoảng 150.000 bao, giảm từ mức dư thừa 750.000 bao ước tính vào vụ 2023-2024. Với việc thặng dư sản xuất bị thu hẹp, những người tham gia khảo sát dự đoán giá cà phê Arabica dự kiến sẽ tăng lên 5,9 USD/kg vào cuối năm nay, cao hơn 10 cents so với giá đóng cửa phiên ngày 26/8.
Giá cà phê Robusta cũng đang neo ở vùng giá cao kỷ lục trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm. Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (27/8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ trong khoảng 119.200 – 120.200 đồng/kg, tăng 200 – 400 đồng/kg so với cuối tuần qua.
Báo cáo nghiên cứu thị trường về xuất khẩu hạt cà phê nhân Việt Nam giai đoạn 2024-2033, giá hạt cà phê nhân toàn cầu, đặc biệt là Robusta, đã đạt mức cao nhất trong 15 năm.
Các nước xuất khẩu cà phê hạt có tiếng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Ethiopia. Việt Nam là nước cung cấp cà phê Robusta chính, nắm giữ vị thế quan trọng trên thị trường hạt cà phê xanh toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngành cà phê là một ngành nông nghiệp quan trọng, đặc biệt là đối với việc sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Với điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Việt Nam xuất khẩu khối lượng lớn hạt cà phê nhân, chủ yếu sang các nước tiêu thụ cà phê lớn như Hoa Kỳ, Đức và Ý.