Giá gạo tăng – tín hiệu lạc quan cho ngành lương thực
Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm giữ ở mức 440 USD/tấn; gạo 25% tấm lên mức 547 USD/tấn, tăng 3 USD; gạo tiêu chuẩn 5% tấm lên mức 579 USD/tấn, tăng so với mức 570 USD/tấn so với một tuần trước đó. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh nhu cầu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn cho thấy sự điều chỉnh giá phù hợp với biến động của thị trường toàn cầu, mở ra những triển vọng tươi sáng với khả năng có thêm các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 9 và 10 năm nay.
Theo VFA, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn khi các doanh nghiệp tập trung tăng cường thu mua để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Một số nguyên nhân dẫn đến tăng giá lúa trong nước bao gồm việc nhiều nước nhập khẩu lương thực đang gặp khó khăn trong sản xuất, dẫn đến việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nước sản xuất gạo chủ lực như Thái Lan và Ấn Độ đối mặt với tình trạng hạn hán và thiên tai khiến nguồn cung gạo toàn cầu sụt giảm.
Hiện tại, nguồn cung gạo Việt Nam không còn nhiều do vụ Hè Thu sắp kết thúc và vụ Thu Đông sản lượng không lớn. Từ nay đến cuối năm, lượng gạo hàng hóa không quá dồi dào nên giá gạo sẽ duy trì ở mức cao. Trong khi đó, ngoài Indonesia thì Philippines – thị trường xuất khẩu truyền thống của gạo Việt Nam và nhiều thị trường khác cũng có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn gạo trong năm nay. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác nên các doanh nghiệp cũng thận trọng trong việc tham gia đấu thầu để tránh trình trạng “càng bán càng lỗ” đã xảy ra trước đây.
Gạo xuất khẩu tăng là tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VTV) |
Triển vọng thị trường gạo cuối năm 2024
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Sản xuất, Chế biến và Xuất khẩu gạo, nhận định, thị trường gạo thế giới đang trải qua những biến động phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhu cầu lương thực toàn cầu tăng cao và sự thay đổi trong chính sách xuất khẩu của các nước lớn như Ấn Độ. “Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, đặc biệt là khi gạo Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia tin dùng nhờ chất lượng vượt trội và chính sách xuất khẩu linh hoạt”, ông Phong chia sẻ.
Cũng theo ông Phong, dự báo trong những tháng cuối năm 2024, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – hạn chế xuất khẩu có thể tạo ra cơ hội lớn cho các nước sản xuất khác, bao gồm Việt Nam. Thêm vào đó, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn.
Một yếu tố quan trọng khác đóng góp vào sự gia tăng giá gạo xuất khẩu là việc Việt Nam tập trung vào nâng cao chất lượng gạo. Sự phát triển của các giống lúa chất lượng cao, cùng với cải tiến quy trình canh tác, chế biến và bảo quản, đã giúp Việt Nam không chỉ duy trì được lượng xuất khẩu mà còn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã dần chuyển từ chiến lược xuất khẩu khối lượng lớn với giá thấp sang xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, với giá trị cao hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của các thị trường phát triển.
Ông Cao Văn Phong cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện chuỗi cung ứng để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế. “Chúng ta cần đảm bảo rằng gạo Việt Nam không chỉ đáp ứng đủ số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tuân thủ các quy định khắt khe của các thị trường nhập khẩu,” ông Phong nói thêm.
Còn theo ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có triển vọng tăng trong những tháng cuối năm 2024: “Việc giá gạo tăng cao hiện tại không chỉ phản ánh nhu cầu lớn từ các thị trường nhập khẩu mà còn là kết quả của việc cải thiện chất lượng sản phẩm và chiến lược nâng cao giá trị của gạo Việt Nam. Với các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết cho những tháng tới thì cơ hội gia tăng lượng xuất khẩu gạo lên mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước”.
Theo một số doanh nghiệp gạo ở Cần Thơ cho biết, đã nhận được nhiều đơn hàng mới từ các đối tác ở Philippines và Trung Quốc. Ngoài ra, một số nước ở châu Phi cũng đang quan tâm đến việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam do nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan bị gián đoạn bởi thiên tai. Dự báo, từ tháng 9 đến tháng 12 khả năng các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu với khối lượng tăng và giá trị tốt hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt.
Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều điểm sáng. Chính sách giảm thuế của Philippines được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo, trong khi những bất ổn về nguồn cung của các quốc gia đối thủ tạo ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng cơ hội này để không chỉ gia tăng sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng, hướng đến việc khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, mang lại triển vọng tươi sáng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Việc thị trường quốc tế đang có nhu cầu lớn đối với gạo Việt Nam cùng với sự tăng trưởng về chất lượng sản phẩm đã tạo ra đà phát triển tích cực cho xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội từ chính sách thương mại và biến động cung cầu để phát triển bền vững trong tương lai.