Thông tin mới về giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn từ 1/8/2024 Sôi động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn |
Ông Hoàng Khánh Duy – Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông Hoàng Khánh Duy – Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn |
Thưa ông, Lạng Sơn là địa phương có thế mạnh về kinh tế cửa khẩu. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã triển khai những giải pháp gì?
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các sở ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, thường xuyên theo dõi, nắm bắt các vấn đề liên quan đến cửa khẩu, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và công tác quản lý cửa khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi hội đàm với các cơ quan chức năng tương ứng phía Trung Quốc để thống nhất, tối ưu hoá quy trình kiểm tra, kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu, tăng thời gian làm việc trong ngày đối với những thời điểm cao điểm hàng hoá.
Đồng thời, triển khai các kế hoạch, phương án điều tiết, phân luồng phương tiện xuất nhập khẩu, hàng hoá xuất nhập khẩu vào các thời gian cao điểm, đảm bảo khoa học, hợp lý.
Thêm nữa, thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về tình hình thông quan hàng hoá để các doanh nghiệp có thể theo dõi, nắm bắt các thông tin chính thống; chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong các hoạt động tại cửa khẩu nhằm tăng hiệu suất thông quan hàng hoá, triển khai thực hiện nền tảng cửa khẩu số, triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt…
Cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu quốc tế, có vai trò quan trọng trong thông quan với Trung Quốc (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) |
Những giải pháp đó đã mang lại hiệu quả ra sao cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu thời gian qua, thưa ông?
Với những giải pháp đồng bộ như trên, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ở tất cả các loại hình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt trên 29 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 2,7 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ.
Kinh tế cửa khẩu được xác định vẫn là thành tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Lạng Sơn. Vậy trong thời gian tới, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp ra sao nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh?
Thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp.
Một là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo hiệu quả, thuận lợi hoá thông quan như thường xuyên nắm thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá. Song song với đó, tăng cường hội đàm với phía Trung Quốc, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh. Thực hiện điều tiết, phân luồng phương tiện xuất nhập khẩu vào các thời gian cao điểm; tăng cường cải cách hành chính trong các hoạt động để giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá.
Thứ hai, tiếp tục tham mưu, định hướng quy hoạch phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng để phù hợp với từng khu vực cửa khẩu; tham mưu xây dựng phát triển cửa khẩu Lạng Sơn theo hướng xác định tính chuyên biệt cho các cửa khẩu.
Cụ thể, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu kiểu mẫu, tiên tiến, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với cảng biển, sân bay.
Cửa khẩu Chi Ma trở thành cửa khẩu quốc tế, đóng vai trò là trung tâm kho vận, chợ đầu mối về vật liệu xây dựng, logistics và phân phối đơn hàng cho thương mại điện tử của tỉnh.
Đường chuyên dụng, lối thông quan Tân Thanh – Cốc Nam phát huy thế mạnh là đường chuyên dụng hàng hoá , lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 – 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 – 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Mục tiêu của Đề án là xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 – 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 – 1089. Phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác; xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại. |