Ông Hoàng Quốc Khánh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, là tỉnh vùng cao, Lào Cai giàu tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.
Trên địa bàn tỉnh hiện có cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu (đường sắt, đường bộ) với 3 điểm thông quan: Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai, cầu đường bộ qua sông Nậm Thi, cầu đường bộ qua sông Hồng (là điểm nối giữa đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Việt Nam) với đường cao tốc Hà Khẩu – Côn Minh (Trung Quốc).
Với vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh Lào Cai đang là cầu nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; đồng thời là cửa ngõ của Việt Nam và các nước ASEAN, Trung tâm của hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) với thị trường vùng Tây Nam – Trung Quốc.
Trong những năm qua, Lào Cai đã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng phát triển; trong đó công nghiệp là trụ cột quan trọng; thương mại du lịch, dịch vụ là đột phá; nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Với những điều kiện và lợi thế kể trên, tỉnh Lào Cai đã và đang trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh Lào Cai đang hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Ảnh: Cấn Dũng |
Dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế, khó khăn. Gợi mở các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại, xúc tiến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tỉnh cần chủ động rà soát và làm tốt các quy hoạch ngành, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai có tiềm năng, thế mạnh lớn về khoáng sản, năng lượng và hội tụ đủ điều kiện để trở thành “cực tăng trưởng” của cả nước, do đó, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) |
Nêu giải pháp để thúc đẩy kinh tế tỉnh Lào Cai phát triển, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, Lào Cai là tỉnh đặc thù trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, xây dựng, thương mại, trong khi hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển nông nghiệp là chính.
Hướng đi phát triển của Lào Cai rõ ràng không thể dựa vào những gì sẵn có hiện nay để bứt phá, bởi phát triển Lào Cai không chỉ vì Lào Cai mà còn vì vùng, vì khu vực ASEAN. Đây là nhiệm vụ quan trọng. Để hướng tới mục tiêu này, Lào Cai cần rà soát toàn bộ cac quy hoạch để phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia để khai thác những động lực, tiềm năng mới trong đó có thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, thủy điện nhỏ…
Cùng với đó, xây dựng phát triển kinh tế tỉnh Lào Cai còn phụ thuộc nhiều vào chính sách, cơ chế của Trung ương. Do vậy, tỉnh cần phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng, thiết kế cơ chế phù hợp.
Ông Đỗ Quốc Hưng – Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi: Khai thác tối đa thị trường Trung Quốc
Ông Đỗ Quốc Hưng – Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi cho rằng, tỉnh Lào Cai cần khai thác tối đa thị trường Trung Quốc |
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai, ông Đỗ Quốc Hưng cho biết, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cần cố gắng khai thác tối đa thị trường Trung Quốc, nhất là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, sau chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua các tỉnh, thành phố trong nước có nhiều điều kiện để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc.
Hiện nay các địa phương Trung Quốc đều muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam và các tỉnh, thành phía Việt Nam. Tại Trung Quốc, nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, dưới dự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký và thiết lập các cơ chế hợp tác dài hạn với các địa phương Trung Quốc như: Sơn Đông, Vân Nam, Hải Nam Quảng Nam, Tứ Xuyên.
Đặc biệt, trong trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vân Nam, đại diện địa phương này cho biết, bên cạnh những mặt hàng truyền thống tỉnh Vân Nam, Trung Quốc muốn tăng nhập khẩu lượng lớn từ Việt Nam mặt hàng thuốc đông y, trái cây, dược liệu…
Do đó, tỉnh Lào Cai đẩy nhanh xây dựng các Nghị định thư, đưa Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối ASEAN, vùng T5 Trung Quốc.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Lào Cai cũng cần đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường còn nhiều dư địa khác; ưu tiên xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của tỉnh. Như đối với mặt hàng chè, quế, hồi… tỉnh cần chú trọng khai thác thêm thị trường khu vực Nam Á, Trung Đông bởi đây là những thị trường có nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu rất lớn những mặt hàng này.
Đối với mặt hàng gỗ và lâm sản, đây cũng là mặt hàng quan trọng của tỉnh. Lào Cai là tỉnh có diện tích rừng lớn, trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng, cần chú trọng đến quy định chống bán phá rừng của EU.
Ngoài ra, đẩy nhanh thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Tận dụng tốt hơn các FTA
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề xuất, tỉnh Lào Cai cần tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA |
Với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, Lào Cai có lợi thế phát triển năng lượng, khoáng sản và cả du lịch. Những năm qua, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi. Lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 500-600 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 160-180 xe/ngày; nhập khẩu từ 400-420 xe/ngày.
Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn duy trì với 4-6 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh và quặng sắt quá cảnh và phân bón nhập khẩu. Giá trị xuất nhập khẩu trung bình hàng tháng đạt khoảng 280 triệu USD.
Dù vậy, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản khi số đông doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính liên kết còn yếu; địa bàn miền núi hiểm trở, sông dốc, khó khăn trong việc phát triển giao thông đường thủy…
Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc phát triển thị trường thương mại truyền thống cần chú trọng phát triển thương mại điện tử.
Cùng đó, tỉnh Lào Cai cần phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu cũng như các đơn vị liên quan xác minh nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động, thường xuyên cập nhật các cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các dự thảo quy định về SPS của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặc biệt là cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyên phổ biến các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết tới đây. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế với chủ đề quy định về thực tiễn ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, cơ hội, thách thức và phương hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế: Tăng cường kết nối các địa phương
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế nêu giải pháp cải thiện năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cai |
Lào Cai đã và đang cải thiện năng lực hội nhập kinh tế quốc tế rất tốt với những hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương và dần dần chuyển hoá thành công những lợi thế của mình trở thành nguồn hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội.
Lào Cai có vị trí địa chiến lược rất tốt, có trên 182km đường biên giới với Trung Quốc cùng hệ thống cửa khẩu đa dạng ở nhiều vị trí và quy mô khác nhau, thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu, biên mậu và quan hệ đối ngoại. Đây chính là điều kiện để Lào Cai có thể phát triển thành trung tâm logistic lớn của Việt Nam và các nước ASEAN, trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam – Trung Quốc…
Trong quá trình này, cần đặc biệt lưu ý, hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước ASEAN đã ký kết tới 8 FTA. Các FTA này đang đưa lại rất nhiều cơ hội trong trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các bên nhờ việc cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư. Việc khai thác tốt các FTA sẽ tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc về thị trường hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất, đồng thời có thể kêu gọi được đầu tư từ các đối tác nước ngoài
Tuy nhiên cần lưu ý, ở gần đối tác lớn là Trung Quốc thì vấn đề cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn. Thực tế, xét cả về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp, Lào Cai đều kém phát triển và ít lợi thế hơn so với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thị trường Lào Cai sẽ bị “lấn át” do khả năng cạnh tranh thấp và do đó các doanh nghiệp trong tỉnh có nguy cơ bị mất dần thị trường của mình.
Vì vậy, để phát triển, Lào Cai cần tăng cường kết nối thị trường địa phương với thị trường cả nước, trước hết là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và địa bàn kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh để hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của tỉnh. Trong bối cảnh hội nhập, các địa phương càng cần phải tăng cường liên kết với nhau để nâng cao sức mạnh tổng thể, tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Lào Cai phấn đấu trở thành trung tâm kết nối thương mại quốc tế
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại gợi mở một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai |
Tỉnh hội tụ đủ tiềm năng phát triển 3 trụ cột chính cả kể công nghiệp – công nghiệp chế biến, thương mại – thương mại quốc tế và dịch vụ du lịch, logistics…
Thời gian qua, Lào Cai là một trong những địa phương tích cực, đi đầu trong hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là những hoạt động kết nối giao thương, mở cửa thị trường với thị trường nước ngoài thông qua các hội chợ, triển lãm, hội thảo, tọa đàm… tổ chức trên địa bản tỉnh.
Lào Cai hoàn toàn đủ năng lực trở thành trung tâm kết nối thương mại quốc tế không chỉ trong nước mà còn trở thành trung tâm kết nối của khu vực ASEAN và với Tây Nam, Trung Quốc. Để triển khai tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại, Lào Cai cần nâng tầm, quy mô khi tổ chức các hội chợ, triển lãm kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu để xứng đáng trở thành Trung tâm kết nối thương mại quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Lào Cai cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu thực phẩm; tập trung phát triển, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như: Quế, hồi…