Tây Ninh: Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành cực tăng trưởng mới Lạng Sơn: Kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển, tạo động lực tăng trưởng |
Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại biên giới
Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 148,72 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023 (95,37 triệu USD). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 118,7 triệu USD, tăng 103%; kim ngạch xuất khẩu đạt 30,02 triệu USD, giảm 19%.
Giao thương qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh khá sôi động thời gian qua(Ảnh: Cổng Thông tin Tỉnh uỷ Gia Lai) |
Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tại huyện Đức Cơ tiếp giáp với Campuchia hiện là cửa ngõ giao thương hàng hóa, động lực thúc đẩy kinh tế. Hàng năm, hàng nghìn tấn hàng hóa, nông sản như chuối, mì lát, sầu riêng, hạt điều… được vận chuyển qua cửa khẩu để vào sâu nội địa Việt Nam hoặc ra cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới.
Xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những cấu phần quan trọng của kinh tế địa phương, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả của thương mại biên giới. Theo Sở Công Thương Gia Lai, thời gian qua, hoạt động thương mại giữa hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) rất gắn bó. Từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với Sở Thương mại Ratanakiri tổ chức 2 phiên chợ thương mại biên giới. Trong tháng 11/2023, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với Sở Thương mại của 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia tổ chức hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó đã ký được 12 biên bản ghi nhớ hợp tác…
Bên cạnh đó, hiện nay, phiên chợ biên giới đã được tổ chức mỗi năm một lần, là cơ hội tăng cường giao thương giữa các địa phương biên giới của hai quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả thương mại biên giới, tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch thực hiện quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 9/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.
Theo đó, về việc xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát danh mục hạ tầng thương mại biên giới như: chợ biên giới, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; các dịch vụ hỗ trợ: kho bãi, giao nhận, vận chuyển, chế biến, bảo quản hàng hóa, dịch vụ ngân hàng và tài chính…
Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh của Campuchia phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia. Đặc biệt, thu hút đầu tư các dự án nhà máy sản xuất, chế biến nông sản tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, là cơ sở để thu hút lao động, người dân đến khu vực biên giới.
Thúc đẩy hoạt động chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở thành điểm trao đổi hàng hóa có quy mô, thu hút thương nhân các tỉnh biên giới. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, các trạm kiểm soát biên phòng phù hợp với Quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền của Trung ương và Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ngành, địa phương tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh biên giới Campuchia, thúc đẩy xây dựng phát triển hạ tầng thương mại biên giới tại khu vực biên giới tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Hỗ trợ thương nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức giới thiệu, quảng bá và phân phối hàng hóa tại chợ biên giới, trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm tại 2 tỉnh biên giới Gia Lai-Ratanakiri. Hàng năm, tổ chức phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhằm giới thiệu, quảng bá, mua bán sản phẩm hàng hóa của 2 nước Việt Nam-Campuchia.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, các dự án đầu tư với Campuchia mà tỉnh đã ký kết, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng các hoạt động đầu tư và thương mại xuyên biên giới với Campuchia nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới tỉnh Gia Lai và các tỉnh của Campuchia.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc xuất – nhập cảnh người và phương tiện, xuất – nhập khẩu hàng hóa: tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước (trong đó có Campuchia) vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, cấp đăng ký kinh doanh, giao đất, cho thuê đất… nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Thúc đẩy kinh tế cửa khẩu phát triển
Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Gia Lai đặt mục tiêu sẽ đăng ký làm việc với Sở Thương mại Ratanakiri để bàn vấn đề ký kết hợp tác giữa 2 Sở nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại qua biên giới. Bên cạnh đó, xin ý kiến các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương trong việc nâng tần suất tổ chức các phiên chợ biên giới hàng tháng hoặc hàng tuần để nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng hoá của cư dân biên giới.
Song song với đó, theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, đơn vị đang gấp rút hoàn thiện dự án hạ tầng và đồ án quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, dự án hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giai đoạn 2022 – 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt và được giao kế hoạch vốn năm 2024 với 20 tỉ đồng. Khi Quy hoạch hoàn thành, hạ tầng xây dựng được hoàn thiện, tỉnh Gia Lai sẽ thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động tại khu kinh tế. Từ đó nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.