Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới. Hiện trái cây Việt Nam xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng chanh leo là 20 quốc gia, dưới nhiều dạng như quả tươi, đông lạnh, nước ép.
Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt và Tham tán nông nghiệp Australia tại Việt Nam Tony Harman trao biên bản ký kết. (Ảnh: Bảo Thắng) |
Diện tích trồng chanh leo ngày càng có xu hướng tăng, với diện tích hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc. Hiện chanh leo cũng được nhiều tỉnh Tây Nguyên quan tâm, mở rộng diện tích.
Những năm gần đây, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào 2 giống chanh leo vàng và chanh leo tím.
Từ nhiều năm trước, Cục Bảo vệ thực vật bắt đầu thực hiện hồ sơ kỹ thuật, mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch chanh leo sang Australia. Sau nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường và sự phối hợp chặt chẽ của hai bên, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, sau xoài, nhãn, vải thiều, thanh long.
Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật cam kết hướng dẫn người dân và địa phương sản xuất theo đúng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu, phát huy hơn nữa lợi thế của sản phẩm chanh leo.
Ông Andrew Goledzinowski – Đại sứ Australia tại Việt Nam – cho biết, quan hệ thương mại nông sản, trong đó có trái cây, giữa hai bên liên tục phát triển thời gian qua. Nhiều loại quả chất lượng của nước này đã xuất hiện ở thị trường nước kia.
Nhận xét riêng về chanh leo Việt Nam, Đại sứ Goledzinowski nói loại quả này “rất ngon”. Ông cùng gia đình thường xuyên sử dụng hàng ngày, thậm chí thay bữa sáng.
Ngoài công tác xúc tiến, mở cửa thị trường với chanh leo và mận, thời gian tới hai nước tiếp tục hoàn thiện các công đoạn cuối để bưởi Việt Nam, việt quất của Australia sẽ có mặt tại thị trường đối tác.