Gỡ “rào cản” để kịp “xanh hóa” ngành logistics

Trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tuy vậy, theo các chuyên gia, để ngành logistics tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, chính quyền và doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng logistics. Bởi, việc cải thiện hạ tầng logistics sẽ giúp cung ứng sản phẩm nhanh, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của toàn chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những dấu hiệu tốt của ngành, trong khi hạ tầng logistics Việt Nam chưa thể bứt phá mạnh mẽ là bởi còn vướng nhiều cản trở từ chính sách, quy định. Những trở ngại này khiến quá trình triển khai, vận hành gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư gặp hạn chế. Do đó, đi cùng với các chiến lược đổi mới, cải tiến hạ tầng logistics, việc có khung pháp lý vững chắc và kiểm soát pháp lý khi đầu tư, triển khai, vận hành hạ tầng logistics cũng cần được chú trọng.

Gỡ 'rào cản' để kịp 'xanh hóa' ngành logistics
Hạ tầng logistics vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Ảnh: B.Đ.T

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam – cho hay, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, dịch bệnh, thiên tai,… cùng sự quan tâm về tính “xanh”, bền vững trong chính sách của nhiều quốc gia buộc các doanh nghiệp không chỉ phải đáp ứng tiêu chí xanh hóa sản xuất, mà còn phải xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, tiến đến mục tiêu “net zero”.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, yếu tố hạ tầng là một mắt xích quan trọng trong phát triển hệ thống logistics, do đó, cần có sự đầu tư một cách đồng bộ, chuyên nghiệp với hạng mục này.

“Hiện nay, việc phát triển hạ tầng logistics sở dĩ gặp nhiều rào cản là bởi gặp một số các vấn đề như chi phí cao, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển quốc tế; thiếu sự liên kết giữa các cơ quan quản lý và sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực với nhau”, ông Trần Thanh Hải đánh giá.

Với các khó khăn này, ông Hải kiến nghị về phía Trung ương, các cơ quan ban ngành cần xây dựng các cơ chế phối hợp liên bộ, liên ngành chặt chẽ. Bản thân các tỉnh và khu vực cũng cần chủ động đánh giá quy hoạch một cách toàn diện, tham mưu và đề xuất chiến lược phát triển. Đồng thời, khuyến khích xây dựng phát triển các hiệp hội nhằm tạo lập mạng lưới liên kết, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Luật sư Đặng Việt Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANHISA, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho biết, các dịch vụ logistics thường bao gồm nhiều khâu khác nhau, trong đó, các vấn đề về kho bãi, chuyển phát, vận tải,… là những dịch vụ yêu cầu sự phát triển của hạ tầng.

Theo luật sư, vấn đề về quy hoạch là điểm quan trọng cần tính toán để phát huy được tính hiệu quả của cả hệ thống hạ tầng. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực logistics còn bao gồm nhiều loại bất động sản đặc biệt như giàn khoan ngoài biển, các kho chứa dầu thô, kho nổi chứa và giao nhận khí LNG,… cùng nhiều dịch vụ chuyên dụng và đắt đỏ khác. Do đó, không tránh khỏi những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này.

“Các tranh chấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong cả quá trình xây dựng và vận hành, như tranh chấp giữa các cổ đông và thành viên công ty; tranh chấp liên quan đến các tai nạn/sự cố trong lĩnh vực logistics; tranh chấp liên quan đến phá sản các doanh nghiệp logistics; tranh chấp do thiếu các dịch vụ logistics phụ trợ, với sự liên quan của nhiều bên, cả trong và ngoài nước”, Luật sư Đặng Việt Anh nhận định

Để hạn chế các tranh chấp này, luật sư khuyến cáo, trong toàn bộ quá trình giao dịch, để tránh phát sinh các tình huống bất lợi, các bên cần xây dựng điều khoản hợp đồng chặt chẽ và có giải pháp giải quyết phù hợp nếu phát sinh tranh chấp.

Gỡ 'rào cản' để kịp 'xanh hóa' ngành logistics
Logistics “xanh” là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics. Ảnh: Nguyễn Ngọc

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, Trưởng Bộ môn Logistics và SCM (Trường Đại học Quốc Tế – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) thông tin, tính đến tháng 2/2024, trên toàn cầu đã có 151/198 quốc gia đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 bao gồm 88% lượng khí thải toàn cầu. Do đó, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu đối với quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam và đặt ra yêu cầu thay đổi cho nhiều ngành kinh tế.

“Logistics xanh sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tiảm lãng phí, tuân thủ các quy tắc và quy định, nguồn cung ứng bền vững, tăng nhận thức của khách hàng, nâng cao hình ảnh thương hiệu”, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa đánh giá.

Chuyên gia này cho biết, để phát triển logistics xanh, cần chú trọng vào 4 nền tảng cơ bản đó là hạ tầng và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; chủ hàng; nhà cung cấp dịch vụ logistics, dưới sự điều chỉnh và thúc đẩy khung pháp lý chính sách về “xanh hóa”.

Để “xanh hóa” thành công, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa cho rằng, mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự và ý thức của nhân sự đóng vai trò quyết định nhưng cơ sở hạ tầng lại là trợ lực đáng quan tâm, bởi lẽ, chỉ khi có kho bãi đạt tiêu chuẩn, áp dụng những tiến bộ khoa học, vận tải xanh,… quá trình “xanh hóa” mới được tối ưu nhất.

Do đó, để cải thiện cơ sở hạ tầng logistics trong thời gian tới, bà Hòa cho hay, cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động logistics với mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao tính gắn kết của 3 nhà: Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà nghiên cứu đối với một số dự án phát triển xanh. Đồng thời, tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn,…

Về chuyển đổi logistics xanh, hiện nay, Chính phủ cũng đã có các chính sách ưu đãi, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi phương tiện. Tức, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp và sử dụng chủ yếu là phương tiện vận tải bằng điện.

Cụ thể, Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.

Ngoài ra, đối với vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm tiết kiệm điện năng, Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo chiến lược, vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu.

Được biết, sau khi dự thảo được ban hành, dự kiến, Bộ cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển xanh cho riêng dịch vụ logistics. Trong đó sẽ tích hợp tất cả những vấn đề về điện năng, kết hợp các vấn đề về chuyển đổi phương thức vận tải sao cho xanh hóa, tận dụng những phương thức vận tải tối ưu hơn…



Source link