Xuất nhập khẩu vượt 512 tỷ USD, xuất siêu gần 19 tỷ USD

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố chiều ngày 11/9, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,79 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Trong tháng 8, có đến 7 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Xuất nhập khẩu vượt 512 tỷ USD, xuất siêu gần 19 tỷ USD
Xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục diễn biến khả quan (Ảnh: Cấn Dũng)

Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 265,44 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, nhập khẩu ghi nhận kim ngạch 33,74 tỷ USD trong tháng 8, giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước.

Các nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô trong tháng 8 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải; sắt thép.

Lũy kế hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 246,87 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, từ đầu năm đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 512,31 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 18,57 tỷ USD, thấp hơn so với con số gần 20 tỷ USD của năm 2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng đầu năm 2024, về tổng quan, các chỉ số vĩ mô đều tăng trưởng tương đối khả quan, trong đó xuất nhập khẩu tăng gần 17%, là điểm sáng của nền kinh tế.

Đáng chú ý, trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu hiện nay, nhóm nông sản và khoáng sản chỉ chiếm 12%; nhóm công nghiệp chiếm trên trên 88%. Như vậy, xuất khẩu tăng cao chủ yếu do xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng cao. Điều này phản ánh đúng với những mục tiêu mà các chiến lược, kế hoạch xuất nhập khẩu đề ra.

Sản xuất nông nghiệp cũng đang có nhiều dấu hiệu khả quan, dù biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhờ đó, Việt Nam có nguồn nông sản dồi dào phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh giá xuất khẩu đang tăng cao.

Thời gian tới, chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường, đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.

Năm 2022 được xem là năm lập kỷ lục về xuất nhập khẩu, vượt 732 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt 371 tỷ USD. Còn 2023, chịu tác động của kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD.

Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất nhập khẩu có nhiều khả năng về đích vượt xa kỷ lục của năm 2022.



Source link