Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại: Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững Ngành thép thích ứng để xuất khẩu bền vững |
TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) |
Thưa ông, thị trường thế giới thay đổi đang đặt ra những yêu cầu mới cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành với mục tiêu hướng tới xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Ông nhận định gì về vai trò của Chiến lược trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hoá hiện nay?
Từ khi chúng ta mở cửa hội nhập đến nay đã gần 40 năm, xuất nhập khẩu là lĩnh vực tăng trưởng rất mạnh vì chúng ta đưa ra chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước xuất khẩu lớn thứ 20 trên thế giới trong số 240 nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đứng top đầu thế giới trong nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hạt điều, dệt may, da giày.
Tuy nhiên, xuất khẩu của chúng ta còn nhiều hạn chế, trong đó, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng không cao vì xuất khẩu vẫn tập trung số lượng chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường hiện nay tập trung quá lớn vào một số thị trường trong trọng điểm và các sản phẩm chủ lực.
Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu của chúng ta chưa mang hàm lượng khoa học công nghệ cao do chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh, chưa khai thác được việc xuất khẩu dựa trên khoa học công nghệ, năng suất lao động mà chúng ta vẫn xuất khẩu dựa nhiều vào lao động, nguồn lợi thiên nhiên, có nguy cơ dẫn đến ảnh hưởng môi trường.
Những hạn chế đó khiến kim ngạch xuất khẩu của chúng ta dù đạt được thành tích về kim ngạch rất lớn, rất cao, nhưng chưa thực sự bền vững.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược xuất khẩu hàng hoá đến năm 2030 đã được ban hành, đặt mục tiêu xuất khẩu phát triển bền vững. Cụ thể, trong chiến lược, đã đưa ra mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dựa trên đỏi mới sáng tạo, khoa học côn nghệ, năng suất lao động, bảo vệ môi trường. Đấy là yếu tố rất quan trọng mà hiện nay chúng ta cần phải đổi mới.
Chiến lược đưa ra mục tiêu xuất khẩu gắn với sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh: TTXVN) |
Một mục tiêu nữa chiến lược đưa ra là xuất khẩu gắn với sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng hoá thị trường và đa dạng hoá sản phẩm.
Ngoài ra, chiến lược đặt ra yêu cầu xây dựng thương hiệu hàng hoá cho các sản phẩm xuất khẩu vì hiện ta có nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng chưa có thương hiệu. Các cơ quan, doanh nghiệp đang nỗ lực đạt được các mục tiêu này để xuất khẩu đi theo hướng bền vững.
Sau hơn 2 năm đi vào triển khai, theo ông, việc thực hiện của doanh nghiệp trong đáp ứng Chiến lược này ra sao, đặc biệt trong 2 câu chuyện: nâng cao chất lượng hàng hoá và đa dạng thị trường xuất nhập khẩu?
Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 được Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ ban hành thông qua Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 và đến nay đã trải qua 2 năm thực hiện. Hiện, các bộ, ngành địa phương đã ban hành Chương trình hành động để chi tiết hoá, cụ thể hoá việc triển khai chiến lược này. Các doanh nghiệp hiện cũng tích cực tham gia chiến lược.
Liên quan đến 2 vấn đề nâng cao chất lượng hàng hoá và đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, qua 2 năm thực hiện Chiến lược cũng như suốt thời gian qua, chất lượng hàng hoá xuất khẩu tiếp tục được nâng cao, thể hiện ở dù kinh tế thương mại thế giới khó khăn trong suốt 2 năm 2022 – 2023, song ta đã đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu, đặc biệt là thanh long, dừa, vải, nhãn, gạo, cà phê… được đẩy mạnh xuất khẩu với giá cao hơn nhiều, vào được các thị trường khó tính, khắt khe, nghiêm ngặt như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Vì sao nông sản của nước ta vào được các thị trường này? Vì chất lượng nông sản đang không ngừng được nâng lên và uy tín được tạo dựng. Để tạo được uy tín thì nông sản đã đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn khắt khe mà các thị trường đưa ra. Trước đây, ta chưa đạt được thì nay đã đạt được.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nỗ lực đưa ra thị trường các sản phẩm với giá cả cạnh tranh, quy trình sản ngày càng tiên tiến hơn, sản phẩm đa dạng hơn.
Đối với đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thời gian qua, ta đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang các thi trường ngoài, thị trường trọng điểm như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… Đây là các khu vực mà hàng hoá Việt Nam rất có tiềm năng.
Sản xuất xanh đang là xu thế và là công cụ cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, đây còn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông, nguyên nhân của hạn chế này là gì?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, nhiều thị trường đưa ra các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường để làm chậm lại biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, sản xuất xanh là yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa làm được điều này. Nguyên nhân là về nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm được cụ thể và chi tiết xu thế về tiêu chuẩn xanh, sản xuất xanh trên thế giới, chưa hiểu đây là yêu cầu bắt buộc.
Ta đã tham gia 16 FTA và trong đó, có nhiều yêu cầu xanh. Ví dụ, FTA với EU khi ký kết, EU cũng đưa ra nhiều yêu cầu về quy định đánh giá các bon, về khí thải tạo ra trong môi trường sản xuất, về chiến lược xuất khẩu xanh… song nhiều doanh nghiệp chưa nắm được.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khác dù nắm được rồi nhưng họ xem chuyển đổi xanh là khó khăn thách thức nên miễn cưỡng thực hiện. Nguyên nhân là bởi nguồn lực tài chính của họ còn hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến chuyển đổi xanh, sản xuất và xuất khẩu xanh của nước ta còn nhiều khó khăn và thực hiện rất chậm.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 cũng đề ra những mục tiêu về xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững. Trong bối cảnh xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững đang là xu thế không thể đảo ngược như hiện nay, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu bền vững hơn?
Đầu tiên, doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin về sản xuất xanh chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững như thế nào. Nó đã thể hiện trong các quy định mới các nước đưa ra và ta phải đáp ứng, phải tìm hiểu kỹ.
Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh là gì, doanh nghiệp phải rà soát trong quy trình sản xuất, kinh doanh xem có những gì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh? Khâu nào cần chuyển đổi, những bước chuyển đổi như thế nào?
Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải đầu tư cho chuyển đổi xanh. Việc đầu tư này rất tốn kém song doanh nghiệp đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận.
Doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, từ tư vấn, hướng dẫn, kết nối, cung cấp tín dụng tài chính… Nguồn hỗ trợ có thể đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, các quốc gia tiên tiến như EU… Phải tìm kiếm và tận dụng những hỗ trợ này.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải xem việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức và khó khăn mà nó là cơ hội lớn để doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy trình sản xuất, thay đổi thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Sự thay đổi sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và về lâu dài thúc đẩy chuyển đổi tốt hơn.
Với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng nguyên liệu tái chế được. Nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp đạt chuyển đổi xanh càng sớm, sẽ càng tăng sức canh tranh của mình với các đối thủ. Do đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!