Kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng

Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thời gian qua, tập đoàn đã liên kết chặt chẽ với nông dân để sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Nhờ đó, mỗi năm, Tập đoàn có lượng lớn gạo chất lượng cao xuất sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, giá bán các sản phẩm gạo tại EU đang ở mức rất khả quan.

Năm 2024, Tập đoàn tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với diện tích lúa 365.000 ha. Tại các vùng đó, tập đoàn sẽ đưa toàn bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng đến nông dân để bảo đảm về năng suất, giá sản phẩm. Tham gia cùng tập đoàn, nông dân được đầu tư toàn bộ giống, vật tư đầu vào với tiêu chí đúng, đủ, giảm chi phí, bảo vệ môi trường. Nông dân sản xuất được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ: máy gặt, máy cày, máy cuộn rơm, máy sạ… với tiêu chí sản xuất là mặt ruộng không dấu chân. Nông dân được nợ chi phí đến cuối vụ và khấu trừ vào tiền bán lúa. Đây được gọi là tiêu chí canh tác không dùng tiền mặt của tập đoàn. Từ đó, tiếp tục nâng cao đời sống người dân và gia tăng giá trị xuất khẩu gạo.

Song song với đó, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nông sản cũng giúp sản phẩm nông sản không ngừng nâng cao giá trị và được thế giới biết đến. Xuất khẩu nông sản dần chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt trên 280 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2021 – 2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.



Source link